Theo BSCKII. Phan Hoàng Giang, Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai, u xơ tiền liệt tuyến là sự gia tăng kích thước của tuyến tiền liệt gây chèn ép niệu đạo, khiến cho nước tiểu ra ngoài gặp khó khăn. Đây là bệnh lý lành tính nhưng gây ra các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như bí tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu ra máu… Đặc biệt, lâu ngày bệnh có thể gây biến chứng như sỏi bàng quang, viêm bàng quang, ứ nước thận do trào ngược bàng quang niệu quản, nặng có thể dẫn đến suy thận.

Trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng, để điều trị phì đại tiền liệt tuyến còn có các phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên, phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn u xơ tuyến tiền liệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng như: bệnh nhân thường phải gây mê, có thể bị chảy máu, bệnh nhân sau mổ dễ bị xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương dương, một số người bị đi tiểu không tự chủ...

Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp, người bệnh mắc phì đại tuyến tiền liệt đã có thêm một sự lựa chọn nữa, đó là điều trị bằng phương pháp nút mạch tiền liệt tuyến. Đây là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, có thể ngăn cản sự phát triển, đồng thời làm suy yếu khối u bằng cách hạn chế cung cấp máu cho nó (nhờ sử dụng vật liệu gây tắc mạch). Khi tiêm các vật liệu này vào các mạch máu nuôi dưỡng khối u xơ tiền liệt tuyến sẽ làm chúng bị bít tắc. Từ đó, nguồn dinh dưỡng nuôi khối u bị cắt giảm, khối u sẽ nhỏ dần đi, các triệu chứng như bí tiểu, tiểu đêm, tiểu nhiều lần... sẽ được giảm đáng kể. Trước đây, vật liệu để nút mạch thường là hạt vi cầu, tuy nhiên gần đây, các bác sĩ của BV Bạch Mai đã sử dụng keo sinh học đơn thuần để can thiệp. Việc áp dụng vật liệu mới này mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Đó là giá thành rẻ, thời gian can thiệp nhanh và tỷ lệ tái phát thấp.

“Một lọ keo sinh học chỉ có giá khoảng 200.000đ mà có thể bơm cho toàn bộ tuyến. Trong khi hạt vi cầu có giá khoảng 5 triệu – 6 triệu đồng/lọ, có bệnh nhân phải dùng 2 đến 3 lọ hạt. Thời gian can thiệp bằng keo sinh học rất nhanh, chỉ khoảng 2 – 5 giây và người bệnh sẽ không phải chịu ảnh hưởng của tia X trong quá trình can thiệp. Trong khi bơm hạt vi cầu mất khoáng 15 phút. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, can thiệp bằng keo sinh học đơn thuần thì tỉ lệ tái phát cũng rất thấp” – BS Phan Hoàng Giang cho biết.

Tuy nhiên, việc dùng keo sinh học đòi hỏi bác sĩ phải thuần thục và khéo léo hơn nhằm can thiệp một cách chính xác và đạt hiệu quả cao. “Keo sinh học là chất lỏng nên khó kiểm soát, bơm đến đâu thì gây tắc đấy. Cho nên trước khi nút mạch phải đảm bảo động mạch không cấp máu cho các cơ quan khác, chỉ cấp máu cho tuyến tiền liệt. Chúng ta phải hòa loãng keo với một tỷ lệ phù hợp với từng bệnh nhân. Với những bệnh nhân có mạch nhỏ hoặc với những bệnh nhân mà có mạch ít hơn, to hơn thì mình lại phải hòa tỷ lệ khác nhau. Bên cạnh đó, quá trình bơm cũng phải rất nhanh. Nếu để không khí lọt qua có thể dính vào động mạch gây biến chứng bệnh nhân” – BS Phan Hoàng Giang giải thích thêm.

Cũng theo BS Phan Hoàng Giang, trên thế giới đã có 2 trung tâm nghiên cứu và áp dụng phương pháp nút mạch u xơ tuyến liền liệt bằng keo sinh học đơn thuần. Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế đầu tiên và là trung tâm thứ 3 trên thế giới triển khai kỹ thuật này.