Trao đổi với Phóng viên VOV2, BSCKII Phạm Ngọc Mười – Trưởng khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, nhiều trẻ bị cúm A nhập viện khi đã có những biến chứng do cha mẹ chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị cho con.

“Trẻ bị cúm A thường sốt cao những ngày đầu, với những trẻ nhỏ thì cha mẹ có thể cho con đi khám sớm hơn. Nhưng với những cháu học sinh lớp 1, 2 thì mẹ thường tự cho uống thuốc hạ sốt. Một số trẻ dễ bị khó thở, thở nhanh nên dễ bị nặng hơn. Những trẻ khác không đáp ứng hạ sốt, thần kinh yếu thì dễ bị co giật, gia đình không biết xử trí thì hậu quả của co giật tăng” – BSCKII Phạm Ngọc Mười thông tin.

Bán chất của cúm A là bệnh lành tính nhưng theo BSCKII Phạm Ngọc Mười, có tỷ lệ nhỏ trẻ bị biến chứng: suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát… Vì vậy, các mẹ cần cẩn thận hơn, chú ý các dấu hiệu của con để đưa đi khám sớm.

Một số dấu hiệu phân biệt cúm A với bệnh cúm, cảm lạnh thông thường khác, đó là khi bị cúm A, trẻ bị sốt cao hơn, cha mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt và chườm ấm nhưng không đáp ứng hoặc hạ nhiệt độ 1-2 giờ đồng hồ song lại bị sốt cao trở lại ngay. Trẻ bị cúm A, thời gian sốt thường kéo dài hơn, 3-5, thậm chí là lâu hơn.

“Tôi đã gặp những trẻ bị sốt đến ngày thứ 10 mới hạ dần. Trẻ bị đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa nặng nề. Trẻ bị cúm A cũng dễ bị suy hô hấp nhiều hơn so với sốt virus và cảm cúm thông thường khác” - BSCKII Phạm Ngọc Mười cho biết.

Cúm A lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ lây lan nhanh hơn. Trẻ có nguy cơ cao bị lây bệnh do sinh hoạt ở nhà trẻ, tiếp xúc gần với bạn bị bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Trời lạnh, chú ý mặc ấm cho con. Nếu con bị cúm A, cha mẹ nên cho con nghỉ học để tránh lây bệnh cho trẻ khác.

“Từ lâu, cúm đã có vaccine phòng bệnh nên cha mẹ cho trẻ tiêm phòng sớm, thông thường lịch là tiêm mũi đầu, mũi 2 là tiêm cách đó một tháng thì trẻ miễn dịch với cúm hiệu quả. Hằng năm đến ngày đó lại tiêm, tiêm phòng cúm là một trong những cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh cúm” - BSCKII Phạm Ngọc Mười khuyến cáo.

Khi trẻ có các dấu hiệu: Sốt cao liên tục từ 39ºC trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh, trẻ khó thở, thở nhanh thì nên đưa trẻ đi khám sớm.