Thống kê cho thấy gần 40% người cao tuổi bị một hoặc nhiều triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa mỗi năm. Lý do là càng về già, các cơ quan của hệ tiêu hóa càng có sự biến đổi về mặt cấu tạo không có lợi cho sức khỏe như:

- Hai hàm răng đã bị long, răng rụng, răng sâu;

- Lượng nước bọt tiết ra cũng ít hơn, biểu hiện là người già hay bị khô miệng

- Các cơ nhai cũng bắt đầu bị teo lại, xương hàm cũng có sự biến dạng…Do vậy, đã gây trở ngại cho việc nhai nghiền thức ăn.

- Dạ dày và ruột cũng bắt đầu teo lại nên đã ảnh hưởng đến việc co bóp, tiêu hoá và hấp thu thức ăn.

- Càng nhiều tuổi, người già càng ít vận động hơn nên cũng không còn cảm giác đói.

Tất cả những vấn đề trên ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động hàng ngày của người cao tuổi. Vì vậy, khi ăn nhiều, người cao tuổi sẽ có cảm giác đầy bụng, chướng hơi, khó chịu và chậm tiêu hoá…

Hầu hết rối loạn tiêu hoá thuộc dạng nhẹ, nếu được khám bệnh sớm có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu mắc tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, lỵ… gây ra không được điều trị đúng phác đồ thì sẽ gây biến chứng trụy mạch rất nguy hiểm.” - BSKII. Nguyễn Thị Thu Hiền, Khoa Nội chung, BV Lão khoa TW cho hay.

Và, nếu rối loạn tiêu hóa kéo dài, không điều trị sẽ gây ra là tình trạng kém hấp thu và suy nhược cơ thể do thiếu dinh dưỡng.

Theo BS Nguyễn Thị Thu Hiền, rối loạn tiêu hóa làm giảm đáng kể tỷ lệ lợi khuẩn có trong đường ruột, giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể. Từ đó tạo cơ hội cho một số vi khuẩn nguy hiểm xâm nhập và phát triển trong cơ thể gây ra các bệnh nguy hiểm như tả, lỵ, viêm đại tràng mạn tính…

Ngoài ra, khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn tiêu hóa sẽ làm cho người bệnh mệt mỏi, thiếu sức sống, trí óc không tập trung ảnh hưởng tới công việc, học tập.

Táo bón là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp. Táo bón nếu mạn tính, không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh trĩ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống…

Để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, người cao tuổi nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp:

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học: Bổ sung nhiều rau và chất xơ; uống nhiều nước; ưu tiên thức ăn mềm, lỏng, được nấu chín; không ăn quá no; tránh sử dụng rượu bia, các thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu;…

- Luyện tập thể thao, vận động hàng ngày: Có thể đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập dưỡng sinh… 30 phút mỗi ngày.

- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế tối đa căng thẳng, lo lắng, bực tức.

- Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng, tránh ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa.

- Thăm khám tiêu hóa định kỳ từ 1 đến 2 lần mỗi năm để phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường.