Cùng với phòng bệnh và điều trị, phục hồi chức năng là bước thứ 3 trong y học hiện đại. Phục hồi chức năng bao gồm các phương pháp: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và sử dụng các dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả. Với việc kết hợp 1 cách khoa học các nguyên lý về vận động, trị liệu, Khoa Phục hồi chức năng-BV Hữu Nghị Việt Đức đã phục hồi thành công nhiều trường hợp mà trước đó bệnh nhân và gia đình đã không còn nhiều hy vọng.

Nguyễn Văn Long ở thành phố Hải Dương là một trong số những trường hợp như vậy. Ông Nguyễn Văn Hiến, bố Long đã từng rất tuyệt vọng khi nhìn cậu con trai mới 25 tuổi, sau một ca tai nạn giao thông, giữ được mạng sống nhưng bất lực trước mọi chức năng cơ bản nhất của một con người như đi lại, ăn uống, nói cười… Khi đưa đến Khoa PHCN của BV Hữu Nghị Việt Đức, niềm tin trong ông rất mong manh.

Nhưng sau 1 rồi 2 tháng được can thiệp, phục hồi chức năng một cách khoa học và tuần tự trong từng giai đoạn – từ giảm co cứng cơ do bị tăng trương lực cơ, cải thiện về nhận thức, về chức năng vận động đến luyện tập vận động, từng bước, từng bước một, Long bắt đầu có các dấu hiệu của sự hồi phục.

Chứng kiến sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân, PGS.TS.TT ưu tú Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng Khoa PHCN, BV Hữu nghị Việt Đức rất vui, chị cho biết với những trường hợp rất nặng như Long phải kết hợp đồng bộ cả 4 phương pháp: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và sử dụng dụng cụ. Tuy nhiên, để áp dụng kỹ thuật viên sẽ phải hiểu rõ về các nguyên lý trong giải phẫu, sinh lý để trong từng phương pháp, từng giai đoạn áp dụng các liệu pháp điều trị phù hợp.

Trung bình mỗi ngày Khoa PHCN luyện tập, can thiệp trị liệu cho khoảng 200 bệnh nhân cả nội trú và bệnh nhân ngoại trú. Đặc biệt, học tập mô hình của nhiều nước trên thế giới, BS Liên cho biết Khoa PHCN – BV Hữu Nghị Việt Đức đang nỗ lực triển khai phục hồi chức năng cho bệnh nhân trước phẫu thuật.

Hiện nay tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, phục hồi chức năng đã được áp dụng cho nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có những bệnh tưởng như không cần đến chuyên ngành PHCN như tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, xương khớp…

Và, không đơn thuần chỉ là các động tác xoa bóp, vật lý trị liệu, PHCN ở đây bao gồm cả một quy trình để đạt được mục tiêu làm thế nào để bệnh nhân sớm quay trở về với các sinh hoạt hàng ngày, lấy lại tối đa các chức năng để tự tin trở về với cuộc sống đời thường...