Khớp vai là một trong những khớp lớn của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vận động của cơ thể. Khi bị viêm quanh khớp vai, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau dẫn đến hạn chế vận động khớp do tổn thương ở phần mềm quanh khớp, chủ yếu là gân, cơ, dây chằng và bao khớp.

BS Bùi Hồng Thúy, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh thường tiến triển kéo dài từ sáu tháng đến hai năm, các triệu chứng giảm dần rồi khỏi, nhưng để lại di chứng teo cơ, giảm trương lực cơ và hạn chế vận động khớp vai và bàn tay. Tỷ lệ tái phát sau khi điều trị khoảng 20%.

Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thường do lao động nặng, do chấn thương hoặc do làm một số nghề nghiệp có tác động nhiều lên khớp vai như nghề lái xe, thợ rèn, vận động viên cầu lông, tennis, bóng chuyền…

BS Bùi Hồng Thúy khuyến cáo, khi có nghi ngờ tổn thương viêm vùng quanh khớp vai người bệnh cần đi khám và can thiệp sớm bởi các biện pháp vật lý trị liệu hiện nay có thể giúp người bệnh phục hồi hiệu quả và nhanh chóng.

Hiện Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 đang trị liệu điều trị cho bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai bằng các phương pháp như điện sung, điện phân và các bài tập kết hợp với dụng cụ, máy móc để phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện có ứng dụng hệ thống máy tập hiện đại bằng robot để phục hồi chức năng khớp vai hiệu quả.

“Máy Robot Contrex MJ có nhiều chế độ tập luyện từ tập thụ động, tập chủ động có trợ giúp cho đến tập chủ động có lực kháng trở tăng tiến được thiết lập tùy theo mức độ tổn thương bệnh lý cũng như sự tiến bộ trong quá trình tập luyện. Bài tập sẽ được thực hiện trong giới hạn biên độ của tầm vận động khớp đã được máy lượng giá xác định, tạo điều kiện cho bệnh nhân tập luyện một cách thuận lợi, thoải mái và nhanh chóng đạt được mục tiêu điều trị”, BS Thúy cho hay.

Cùng với việc điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ còn hướng dẫn các bài tập hỗ trợ chức năng khớp vai để người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà.

“Khi về nhà bệnh nhân có thể tập các bài tập như động tác giang tay lên quá đầu, có thể dùng gậy để tay lành hỗ trợ kéo tay bị bệnh lên. Hoặc đưa tay ra đằng sau rồi dùng gậy hoặc khăn tắm để lấy tay lành kéo tay bệnh, đạt được tầm vận động như mong muốn. Bên cạnh đó có thể kết hợp bài tập với các hoạt động tại nhà như phơi quần áo, lái xe….” BS Hồng Thúy chia sẻ.

Khi tập luyện tại nhà, mỗi động tác người bệnh có thể duy trì tập luyện từ 3-5 ngày, sau đó có thể tăng dần mức độ và thời gian tập luyện cho khớp vai lên.

Theo BS Bùi Hồng Thúy, để giảm tác động, áp lực lên khớp vai góp phần ngăn chặn viêm quanh khớp vai, người bệnh cần lưu ý, tránh làm việc quá sức cũng như mang vác nặng. Không thay đổi tư thế vai đột ngột, làm nóng và khởi động vai kỹ trước khi vận động.