Đây là những vấn đề liên quan đến chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh được GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu tại hội thảo "Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị", do Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức mới đây.
Cũng theo GS Trần Văn Thuấn, chính sách bảo hiểm y tế, mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song trong bối cảnh kỹ thuật y tế không ngừng phát triển, danh mục thuốc, vật tư và kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cần tiếp tục được cập nhật để đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Theo thống kê, có tới 80% người dân sử dụng BHYT tại các bệnh viện trên cả nước, tuy nhiên, hiện khoản thu của BHYT rất thấp và ở mức cơ bản, trong khi đó gói chi trả cho BHYT lại cao. Do đó, ngành y tế thường gặp vấn đề sợ vỡ quỹ chi trả, tạo nên áp lực về tài chính rất lớn.
Đồng thời, hiện nay vấn đề thanh toán của BHYT tại các bệnh viện vẫn chưa thực sự được hiểu rõ và phù hợp. Bởi lẽ, theo xu hướng công nghệ hiện đại và tiên tiến, các bệnh viện ngày càng đầu tư nhiều máy móc và thiết bị mới với chi phí rất cao. Tuy nhiên, chi trả của người sử dụng đối với các máy móc và thiết bị mới đó lại chưa thực sự được nâng cao, để tạo ra sự hài hòa.
Theo TS.BS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, để nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị cần có nhiều loại hình bảo hiểm khác tham gia vào ngành Y tế. "Hiện nay không ít người dân có nhu cầu khám chữa bệnh ở mức độ cao hơn, so với mức khám chữa bệnh cơ bản của BHYT bắt buộc. Mặt khác, khi có các loại hình BHYT khác nhau sẽ tạo ra sự cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế".
Còn theo PGS.TS Võ Tấn Đức- Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Trường ĐH Y Dược TP HCM, hiện nay với quy trình khám chữa sử dụng các máy móc trình độ cao như chụp CT, chụp MRI nhưng quy định chi trả bảo hiểm chưa hợp lý. Ngoài ra còn nhiều quy trình, thủ thuật, một số vấn đề trong khám chữa bệnh mà người dân chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Ông đề xuất, cần xây dựng lại quy trình chi trả theo độ khó của thủ thuật phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, PGS. TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng, mức lương cơ bản hiện khá thấp và đóng bảo hiểm y tế theo lương cơ bản càng thấp hơn.
"Tại sao không đóng bảo hiểm y tế theo thu nhập chứ không theo lương? - PGS. TS Phạm Ngọc Đông nêu câu hỏi.
Theo PGS. TS Phạm Ngọc Đông, hiện giá dịch vụ y tế gồm máy móc, thuốc hầu hết đều phải nhập… Giá nhập là giá quốc tế nhưng mức đóng bảo hiểm y tế theo giá Việt Nam.
"Phần đóng ít nên dễ vỡ quỹ bảo hiểm. Nếu đóng theo thu nhập, tỷ lệ % theo thu nhập quỹ bảo hiểm lớn mới chi trả được tốt cho bệnh nhân. Làm sao khi bệnh nhân đến bệnh viện, chúng tôi không phân biệt là có bảo hiểm hay không có bảo hiểm" - PGS. TS Phạm Ngọc Đông đề xuất.

GS Trần Văn Thuấn cho rằng, những tồn tại này đặt ra yêu cầu cấp thiết: phải đảm bảo đầy đủ, thực chất quyền lợi của người bệnh, đặc biệt trong quá trình chẩn đoán và điều trị – không chỉ ở khía cạnh chuyên môn hay kỹ thuật, mà còn ở góc độ thể chế, công bằng xã hội và đạo đức phục vụ.
Ông cho biết, ngành y tế xác định lộ trình 2026 - 2030 và 2031 - 2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn đã được Tổng Bí Thư nhấn mạnh: "Phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân".
Ngành y tế đang định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, để cụ thể một số nội dung tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân.