Cũng giống như HIV, bệnh virus viêm gan C bị lây nhiễm qua 3 đường chính là dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Khi người bệnh nhiễm HIV đã bị suy giảm miễn dịch rồi, nhiễm thêm virus viêm gan C nữa thì sức khỏe càng yếu, càng dễ nhiễm bệnh lây truyền khác. Thêm nữa, phần lớn người nhiễm HIV đều có hoàn cảnh khó khăn, ít tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết. Đó là những nguyên nhân khiến gia tăng người đồng nhiễm viêm gan C và HIV.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hiện Trung tâm đang điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C và HIV kể cả nội trú và ngoại trú. Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV bị đồng nhiễm viêm gan C, thì tình trạng viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh quá trình tiến triển đến xơ gan so với người không nhiễm HIV. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV và viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan vẫn cao hơn ở người không nhiễm HIV.

“Người nhiễm HIV đã phải uống thuốc suốt đời. Đó là một thách thức rồi. Nếu họ đồng nhiễm cả viêm gan C thì tuổi thọ của bệnh nhân sẽ giảm do dễ bị biến chứng xơ gan dẫn đến ung thư gan. Đôi khi các thuốc trong quá trình điều trị cũng đặt ra những khó khăn, thách thức. Ngoài ra nó còn liên quan đến vấn đề những người đồng nhiễm viêm gan B, C thường là những người tiêm chích ma túy, có điều kiện sống và hoàn cảnh rất đặc biệt, khó khăn, công việc không ổn định trong khi giá thành thuốc điều trị viêm gan C lại đắt, nhiều người đã phải bỏ thuốc. Đó cũng là thách thức đối với nhân viên y tế khi phải theo dõi, đồng thời điều trị cả hai” – PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết.

Chi phí khoảng 12 triệu – 15 triệu đồng/tháng tiền thuốc, đây là một trong những rào cản trong việc điều trị bệnh viêm gan C ở người đồng nhiễm HIV. Mặc dù từ cuối năm 2018, Quỹ BHYT đã chi trả 50% chi phí thuốc điều trị viêm gan C và từ năm 2021, với sự hỗ trợ của 1 số tổ chức phi chính phủ, người đồng nhiễm viêm gan C và HIV được đồng thời theo dõi điều trị thuốc ARV và thuốc điều trị viêm gan C tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận huyện trở lên nhưng không phải ai cũng có điều kiện trả một nửa số tiền còn lại. Khi bỏ thuốc không điều trị có nghĩa tuổi thọ của họ đang bị rút ngắn lại.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã gặp không ít trường hợp bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C và HIV bỏ điều trị ngay sau khi bác sĩ thông báo tình trạng bệnh tật do không có tiền và không có thẻ BHYT.

PGS.TS Đồ Duy Cường còn cho biết, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn do các cơ sở y tế tuyến dưới chưa có đủ điều kiện để làm xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C hoặc thường bỏ qua không làm xét nghiệm chẩn đoán ngay từ đầu. Đó cũng là nguyên nhân cản trở khiến cho quá trình điều trị cho bệnh nhân khó khăn hơn.

“Bệnh viêm gan C không có vaccine nên khi điều trị khỏi rồi, một số đối tượng nguy cơ như lọc máu, chạy thận sẽ bị tái nhiễm. Hoặc những người tiêm chích ma túy, nếu điều trị khỏi rồi mà hành vi tiêm chích ma túy còn hoặc trong cơ sở y tế nếu không áp dung các biện pháp dự phòng, phổ cập, phòng ngừa thì sẽ lây lan trong môi trường y tế hoặc bệnh nhân có thể lây bệnh cho nhau. Hoặc ví dụ các thủ thuật ở những cơ sở làm đẹp hoặc chỗ làm xăm trổ, nhổ răng được thực hiện không an toàn thì vẫn có thể bị nhiễm. Nếu bệnh nhân nhiễm lại thì lại phải điều trị lại từ đầu” – PGS.TS Đỗ Duy Cường nhận định.

Theo các nghiên cứu, những người đồng nhiễm HIV và viêm gan C có xơ gan giai đoạn đầu, tỷ lệ sống được 3 năm là 87%, xơ gan giai đoạn cuối, tỷ lệ sống được 2 năm chỉ có 50%, do đó bệnh nhân cần được điều trị sớm để tình trạng bệnh không tiến triển nặng nhanh hơn.