Đối với sốt xuất huyết, ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Ngoài tâm lý chủ quan thì còn có một số sai lầm trong điều trị khiến bệnh nhân nhiễm virus Dengue trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Qua thực tế điều trị, BS Trương Hữu Khanh ở Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, nhiều bệnh nhân không biết mình bị sốt xuất huyết hoặc nhầm lẫn với sốt virus nên đã nghĩ rằng hết sốt sẽ khỏi, không theo dõi sát diễn biến của bệnh. Một sai lầm hay gặp nữa là bệnh nhân tự ý truyền dịch tại nhà, với suy nghĩ truyền dịch vào sẽ hết sốt, hoặc tự uống thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiều trường hợp họ tự uống thuốc do người này người kia mắc, những thuốc đó ảnh hưởng tới gan gây xuất huyết, làm tăng thêm gánh nặng khi sốt xuất huyết chuyển qua giai đoạn nặng” - BS Trương Hữu Khanh cho biết.

Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt cao, khó hạ. Với tâm lý muốn hạ sốt nhanh đã có người sử dụng thuốc hạ sốt quá liều. BS Trương Hữu Khanh cảnh báo: “Nếu mình cứ cố uống thuốc để hạ sốt thì sẽ bị quá liều, dẫn đến tổn thương gan. Bản chất của virus sốt xuất huyết đã gây tổn thương gan rồi khi mình uống thuốc hạ sốt quá liều thì tiếp tục làm gan bị tổn thương thêm. Một trong những biến chứng nặng của SXH là có kèm theo suy gan”.

Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Trong 48 giờ đầu kể từ khi sốt, khi chưa rõ có phải bị sốt xuất huyết hay không, bệnh nhân chỉ cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi và uống thuốc hạ sốt đúng liều. Nếu sau 48 giờ mà không hạ sốt thì cần đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Khác với một số bệnh truyền nhiễm khác, khi hết sốt phần lớn người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng với sốt xuất huyết đây lại là giai đoạn nguy hiểm nhất, do đó bệnh nhân hoặc người nhà cần theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng như đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, xuất huyết chảy máu dưới da, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu...để kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

BS Trương Hữu Khanh lưu ý, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp khác nhau, do đó người đã mắc tuýp 1 vẫn có thể mắc tuýp 2,3 và 4. Thông thường những lần mắc sau có thể sẽ nặng hơn lần trước vì vậy trong mùa sốt xuất huyết như hiện nay, việc quan trọng nhất là phòng bệnh bằng cách ngủ màn, dùng kem chống muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, phát quang bụi rậm, làm sạch môi trường sống xung quanh nhà và phối hợp với ngành y tế ở nơi cư trú khi có chiến dịch phun thuốc diệt muỗi...