Một số cơ quan quốc tế về an toàn thực phẩm nghi ngờ sản phẩm kẹo trứng Kinder Surprise có khả năng bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Tại Việt Nam, sản phẩm này cũng được bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị.

Do vậy, sau khi nhận được cảnh báo này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo mạng lưới các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm rà soát, kiểm tra và báo cáo về Bộ các sản phẩm tương tự nhập khẩu về Việt Nam có cùng tên, ngày sản xuất và hạn sử dụng như được nêu trong sự cố an toàn thực phẩm nêu trên.

Ở nước ta, cách đây không lâu, một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy: 30-40% thịt lợn tại nước ta cũng nhiễm loại vi khuẩn này nguyên nhân do giết mổ, vận chuyển và buôn bán ở điều kiện kém vệ sinh.

Thực phẩm nào có thể bị nhiễm Salmonella?

PGS. TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết: "Bất cứ nguồn thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật như thịt gia súc, gia cầm, các sản phẩm bơ sữa, trứng và hải sản và một số loại trái cây, rau quả đều có thể bị nhiễm Salmonella".

Salmonella là tên một nhóm khuẩn gồm nhiều chủng loại. Có loại gây nhiễm trùng đường ruột, bị tiêu chảy, đau bụng vài ngày rồi hết, nhưng cũng có loại gây bệnh thương hàn, phó thương hàn, nặng hơn thì nhiễm trùng huyết gây tử vong.

Thực phẩm nhiễm Salmonella từ đâu?

Các nguồn lây nhiễm là tay chân, dụng cụ nhà bếp, dao thớt thiếu vệ sinh, nhiễm chéo thực phẩm trong tủ lạnh,… Thêm nữa, Salmonella có thể đến từ phân của động vật mắc bệnh, kể cả con người. Dù đã khỏi bệnh vài ngày, nhưng salmonellavẫn còn trong phân và có thể lây lan và phát triển.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Thị Hương, không phải cứ ăn thực phẩm nhiễm khuẩn Salmonella là bị bệnh? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: hàm lượng bị nhiễm nhiều hay ít; sức đề kháng của mỗi người.

Triệu chứng thông thường nhất khi nhiễm Salmonella là đau bụng, tiêu chảy,… Thời gian xuất hiện các triệu chứng trong vòng 8-72 giờ sau khi ăn trứng bị nhiễm khuẩn Salmonella. Những trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella nặng thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và người bị bệnh nền có hệ miễn dịch suy giảm.

Làm gì để giảm vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm?

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng nên mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ; Vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; Sử dụng nguồn nước sạch; Bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Theo PGS.TS Lê Thị Hương, vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm thường dễ bị tiêu diệt do nhiệt độ, nên cần đun chín thực phẩm để tránh ngộ độc. Tuy nhiên, dù đã đun chín, đồ ăn để ngoài ở nhiệt độ thường khoảng hai giờ là đã nhiễm khuẩn và đã sinh sôi nảy nở. Do đó phải bảo quản lạnh đồ ăn để ngừa nhiễm loại sinh độc tố như tụ cầu vàng. Cũng lưu ý, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (4 độ C), không diệt được khuẩn, mà chỉ làm chậm lại tốc độ sinh sôi vi khuẩn. Do đó tủ lạnh không hẳn là nơi có thể lưu trữ thức ăn an toàn trong thời gian dài.