PV: Thưa bác sĩ, "Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác" năm 2025 đang triển khai rộng khắp cả nước. Nhưng dường như trọng tâm không chỉ là tình nguyện, mà còn là ứng dụng công nghệ để thay đổi phương thức khám chữa bệnh. Bác sĩ có thể chia sẻ những điểm nổi bật mà hành trình này hướng đến không?

TS.BS Ngô Quốc Duy: Hành trình "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác" năm 2025 tập trung vào ba hướng chính:

Thứ nhất, ứng dụng bệnh án điện tử tại các bệnh viện, giúp đồng bộ hóa dữ liệu, kết nối thông tin giữa các chuyên khoa, hỗ trợ chẩn đoán sớm và chính xác.

Thứ hai, AI được đưa vào hỗ trợ chẩn đoán, giúp phát hiện những tổn thương nhỏ mà mắt thường dễ bỏ sót. Đối với bác sĩ trẻ, AI là trợ thủ đắc lực; còn với bác sĩ kỳ cựu, nó như "con mắt thứ hai" kiểm tra lại chẩn đoán, giảm thiểu sai sót.

Thứ ba, AI còn giúp xây dựng phác đồ điều trị dựa trên dữ liệu lâm sàng và kinh nghiệm quốc tế, nâng cao chất lượng điều trị và giảm rủi ro cho bệnh nhân.

PV: Thưa bác sĩ, trên thực tế, quá trình chuyển đổi số này đang diễn ra như thế nào tại các bệnh viện tuyến đầu? Liệu có sự khác biệt rõ ràng giữa các bệnh viện lớn và các tuyến y tế cơ sở?

TS.BS Ngô Quốc Duy: Thực tế cho thấy, ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K, hay Bệnh viện Chợ Rẫy, quá trình số hóa diễn ra rất mạnh mẽ. Hệ thống lưu trữ hình ảnh PACS, bệnh án điện tử (EMR) và AI hỗ trợ chẩn đoán đã giúp rút ngắn thời gian xử lý, tăng hiệu quả trong chẩn đoán.

Tuy nhiên, tại các tuyến y tế cơ sở, việc triển khai còn gặp nhiều thách thức. Cơ sở hạ tầng yếu, thiếu kết nối mạng ổn định, và đặc biệt là nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản để sử dụng công nghệ mới. Chúng ta cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Nhà nước để tạo điều kiện đồng bộ hóa các hệ thống y tế.

PV: Những điều bác sĩ vừa chia sẻ làm tôi nhớ đến câu chuyện của PGS.TS Đào Việt Hằng cùng các đồng nghiệp đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa, với một giải pháp hoàn toàn "Made in Vietnam". Theo bác sĩ, sự đột phá này có ý nghĩa gì đối với ngành y tế Việt Nam?

TS.BS Ngô Quốc Duy: Đây là một minh chứng rõ ràng cho khả năng làm chủ công nghệ của các bác sĩ trẻ Việt Nam. Việc phát triển một hệ thống nội soi AI "Made in Vietnam" không chỉ giúp giảm chi phí, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại đến các tuyến y tế cơ sở. Điều này góp phần giảm thiểu sự chênh lệch về chất lượng y tế giữa các vùng miền.

Hành trình này còn khẳng định vai trò của đội ngũ y bác sĩ trẻ trong đổi mới sáng tạo, không chỉ ứng dụng mà còn phát triển công nghệ "thuần Việt". Tôi nghĩ, đây chính là "mở lối" thay vì đi theo lối mòn cũ.

PV: Thưa bác sĩ, hiện nay nhiều người cho rằng, thầy thuốc trẻ đang chủ yếu ứng dụng những công nghệ sẵn có thay vì thực sự sáng tạo và mở lối đi riêng. Bác sĩ có đồng tình với quan điểm này không và nếu có, đâu là những lý do chính dẫn đến thực trạng đó?

TS.BS Ngô Quốc Duy: Nhiều bác sĩ trẻ đang ứng dụng công nghệ sẵn có như bệnh án điện tử, AI trong chẩn đoán, PACS để lưu trữ hình ảnh. Đây là những nền tảng công nghệ quốc tế đã rất thành công, và chúng ta đang học hỏi để triển khai.

Tuy nhiên, nói chỉ "đi theo lối đã mở" là chưa đúng. Không ít bác sĩ trẻ đã tận dụng công nghệ để phát triển những giải pháp riêng biệt, phù hợp với người Việt. Ví dụ như hệ thống nội soi AI của PGS.TS Đào Việt Hằng là một minh chứng rõ ràng.

PV: Vậy theo bác sĩ, để thầy thuốc trẻ có thể thực sự "mở lối" thay vì đi theo lối mòn, đâu là những giải pháp cần thiết?

TS.BS Ngô Quốc Duy: Đầu tiên, cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, nơi bác sĩ trẻ có thể kết nối với kỹ sư công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp và viện nghiên cứu.

Thứ hai, cần có những sandbox - môi trường thử nghiệm an toàn để hiện thực hóa ý tưởng mà không gặp rào cản pháp lý.

Cuối cùng, quan trọng nhất là thay đổi tư duy làm nghề. Bác sĩ trẻ cần không chỉ giỏi chuyên môn y khoa mà còn phải hiểu công nghệ, quản trị dự án và hợp tác liên ngành.

Tôi tin rằng, nếu có cơ chế hỗ trợ và môi trường sáng tạo phù hợp, các thầy thuốc trẻ hoàn toàn có thể "mở lối".

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!