Dịch COVID-19 đang là vấn đề được nhắc đến và quan tâm nhiều nhất hiện nay, bởi nó tác động đến mọi mặt của đời sống, xã hội, gây tâm lý lo lắng cũng như xáo trộn cuộc sống của nhiều người. Trong bối cảnh đại dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát thì việc bảo vệ sức khỏe lại càng thêm khó khăn, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch hoặc đang trong tiến trình điều trị một bệnh nào đó cần được theo dõi dài ngày.

Mỗi sáng thức dậy có lẽ ai cũng nhận được hàng loạt thông tin từ điện thoại đi động, các kênh truyền thông, mạng xã hội liên quan đến đại dịch COVID-19. Trước đây, mỗi lần thấy không khỏe trong người chúng ta đều nghĩ đến việc đi khám, nhưng hiện nay thì dù mệt hay có những triệu chứng bệnh nào đó nhiều người vẫn đắn đo bởi vẫn nghĩ bệnh viện là nguồn nguy cơ lây nhiễm cao.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: " chăm sóc sức khỏe là nhu cầu thiết yếu của mọi người nên việc đến bệnh viện để khám, điều trị là điều quan trọng, không phải vì dịch mà hạn chế. Công tác phòng dịch trong bệnh viện của chúng ta đã triển khai từ rất lâu, khi có dịch SARS, chúng ta có nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá liên quan đến việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện cũng như lây chéo, làm cho môi trường bệnh viện sạch hơn rất nhiều. Hiện tại, tất cả các bệnh viện đều có biện pháp để phòng ngừa lây nhiễm ngoài cồng động. Các bệnh nhân đến viện đều được phân luồng cũng như phòng ngừa lây nhiễm giữa người nhà bệnh nhân, bênh nhân và nhân viên y tế, làm cho bệnh viện bây giờ tương đối an toàn. Nên nếu có bất cứ bệnh lý nào cần phải đi khám thì có thể yên tâm đến bệnh viện thăm khám."

Theo TS.BS Phạm Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Việt Đức (Hà Nội): "Tất cả đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế trong viện đều tuân thủ đúng quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế. Tính riêng trong bệnh viện Việt Đức có hơn 2000 cán bộ nhân viên y tế và mỗi một bệnh nhân vào viện đi kèm là có ít nhất một người nhà, không thì hai, ba người đi cùng hỗ trợ. Trung bình mỗi ngày như vậy thì trong bệnh viện có rất nhiều người ra vào. Người nhà bệnh nhân chính là nguồn nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy cần phải có sự kiểm soát"

Bác sỹ Phạm Gia Anh cho biết, hiện bệnh viện Việt Đức quy định rất nghiêm về việc ra vào bệnh viện của người nhà bệnh nhân. Toàn bộ người nhà khi vào bệnh viện sẽ được test kháng nguyên nhanh và hạn chế tối đa việc người nhà phải ở lại chăm sóc, cam kết không thay người và đẩy mạnh tối đa chăm sóc toàn diện cả về nhu cầu dinh dưỡng.

Chưa bao giờ ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao như lúc này. Mọi người đều lo lắng trước sự lây lan dịch bệnh. Nhưng như thế không có nghĩa là bệnh nhân phòng thủ tại nhà, không đến bệnh viện để khám chữa bệnh, nhất là đối tượng trẻ em và người cao tuổi, diễn biến bệnh rất nhanh, dễ xảy ra biến chứng để lại hậu quả lâu dài, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì quá lo ngại nên một số cha mẹ chọn cách không đưa con tới bệnh viện khám mà để con ở nhà và tự chữa cho con theo đơn thuốc cũ hay kinh nghiệm của các phụ huynh khác, từ mạng xã hội, hay theo hướng dẫn của nhân viên bán thuốc mà không biết điều này có thể dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng tính mạng.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì bất kể khu dân cư nào cũng có thể bị phong tỏa. Vì vậy, theo bác sỹ Vũ Quốc Đạt, những người sống trong vùng bị phong tỏa thì cần phải tự biết cách chăm sóc sức khỏe cho mình. Định kỳ hai lần một ngày cần phải theo dõi nhiệt độ, nếu nhiệt độ trên 37.5 độ thì cần phải ngay lập tức báo cho cơ quan y tế địa phương hoặc các cơ quan phòng chống dịch ở địa phương. Thứ hai là cần phải kịp thời và biết theo dõi bệnh lý mãn tính của mình như tiểu đường, tăng huyết áp, tim gan thì việc duy trì thuốc hàng ngày. Bên cạnh đó cần phải chú ý đến dinh dưỡng, vệ sinh môi trường cũng như là vệ sinh xung quanh nơi ở. Một vấn đề nữa là chúng ta phải quan tâm về sức khỏe tâm thần, được hiểu là luôn luôn có những cách động viên nhau, giữ nhịp sinh hoạt đều đặn, thường xuyên chia sẻ cảm xúc tích cực.

Phải đến viện khám bệnh là điều không ai mong muốn, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, có bệnh nặng mà không dám đi khám cũng là một suy nghĩ sai lầm. Cái sảy nảy cái ung, để bệnh diễn biến sang giai đoạn nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, với những gia đình có trẻ nhỏ, hãy bình tĩnh, tỉnh táo, đừng vì lo sợ quá mà để mọi việc ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta cũng nên chú ý đến việc đảm bảo sức khỏe, tăng sức đề kháng để chống dịch, không đến những nơi đông người khi không thực sự cần thiết.