Theo Ths.BS Đỗ Thị Thúy Nga – khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TW, chứng sốt phát ban của trẻ chủ yếu là do virus đường hô hấp. Mùa đông có nhiều virus, vi khuẩn, trẻ có sức đề kháng kém dễ bị sốt phát ban. Biểu hiện của sốt phát ban thường là trẻ bị sốt cao, có thể lên đến 39°C hoặc hơn, đi kèm với đó là những nốt đỏ dạng mảng hay chấm trên da. Càng ngày, số lượng đốm nhỏ trên da càng nhiều, chúng xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Trẻ nhỏ mắc bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu, vì thế bé hay quấy khóc và biếng ăn.

Việc đầu tiên cha mẹ nên làm là hạ sốt cho trẻ. Cha mẹ nên cho con dùng thuốc hạ sốt dòng paracetamol, dùng liều đơn thuần dao động từ 10-15mg/cân nặng, cách 4-6 tiếng cho trẻ uống một lần. Thứ hai, cha mẹ nới lỏng quần áo cho trẻ, thứ ba là chườm ấm để trẻ hạ thân nhiệt tốt hơn.

Về vấn đề dinh dưỡng, cha mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ chất để trẻ nâng cao sức đề kháng và phục hồi nhanh hơn. Trong trường hợp trẻ khó ăn, nôn trớ thì cha mẹ có thể chia nhỏ bữa, cho trẻ ăn làm nhiều lần. Thực tế nhiều cha mẹ thấy con sốt cao thì không cho trẻ tắm. Ths.BS Đỗ Thị Thúy Nga cho rằng, đó là sai lầm bởi điều đó có thể khiến cho trẻ dễ bị nhiễm trùng da. Vì vậy, cha mẹ vẫn nên cho trẻ tắm bằng nước ấm, vệ sinh đường hô hấp và nhỏ mũi cho con thường xuyên bằng thuốc nhỏ mũi sinh lý…

Có 3 nguyên nhân gây ra sốt phát ban: thứ nhất phát ban do nguyên nhân nhiễm trùng (nhiễm virus, vi khuẩn), thứ hai là không phải nhiễm trùng (tình trạng dị ứng, nhiễm độc hoặc những trường hợp sốt phát ban do nhiệt, bệnh lupus ban đỏ…), thứ 3 là do trẻ bị tổn thương da. Nguyên nhân nhiễm trùng hay gặp nhất là gây ra bệnh dịch hoặc là các nguyên nhân do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm cũng có thể gây ra tình trạng sốt phát ban.

“Hiện tượng sốt phát ban ở trẻ thường ở mức độ lành tình, chỉ cần được chăm sóc cẩn thận thì bệnh sẽ mau chóng khỏi” – Ths.BS Đỗ Thị Thúy Nga cho biết. Nhưng đáng tiếc là nhiều phụ huynh thường hay nhầm sốt phát ban với bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác, tự ý điều trị ở nhà nên dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, chúng ta không thể xem thường bất cứ biểu hiện phát ban nào trên người trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu sốt phát ban có biến chứng về thần kinh thì trẻ sẽ ngủ nhiều, li bì hoặc có co giật, ho nhiều, thở nhanh, khó thở… Còn sốt phát ban sởi, lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân trẻ. Khi ban sởi biến mất cũng mất theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn, gồ lên mặt da, khi mất sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.

Sốt phát ban còn có triệu chứng nổi ban đỏ giống sốt xuất huyết. Để phân biệt, dùng ngón tay cái và trỏ cùng bên căng vùng da quanh nốt phát ban. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay, là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti, hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện, lại là sốt xuất huyết. Tốt nhất, khi trẻ sốt cao, cha mẹ nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay để còn được khám và sàng lọc sớm.