Áp lực công việc - bàn tay vô hình bóp nghẹt con người
Là một luật sư có tiếng nên anh T.T.D luôn có lượng khách hàng lớn và thường xuyên phải xử lý các vụ việc có tính chất khó và phức tạp. Những cuộc điện thoại gọi đến xin tư vấn dồn dập, từ tư vấn chia tài sản thừa kế đến các vụ kiện tụng kinh tế. Để giải quyết khối công việc đó anh D. phải làm việc liên tục từ 8h sáng đến 11-12h đêm, thậm chí có những ngày phải nghiên cứu tài liệu đến 2-3h sáng. Lâu dần, anh D. thấy cơ thể có những dấu hiệu bất ổn.
Anh D chia sẻ: “Tôi phải dùng an thần dạng nhẹ thì mới ngủ được. Kể cả khi ngủ tôi cũng nghĩ về công việc thành ra đầu óc nó cứ bung biêng. Chất lượng cuộc sống kém đi, ăn không được, hiệu suất công việc giảm hẳn luôn… Bác sỹ đánh giá là tôi bị stress do công việc ở thể rối loạn lo âu”.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, số ca trầm cảm, lo âu liên quan đến công việc tăng hơn 20% trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chỉ những trường hợp bệnh nặng mới nhập viện điều trị, còn đa số họ sẽ tự chịu đựng và ít chia sẻ với người xung quanh. Nguyên nhân một phần là bởi tâm lý sợ bị đánh giá, sợ bị cho là “yếu đuối”, “kém cỏi”.
Nguyễn Thu Trang 25 tuổi ở Hà nội cho biết, sau quãng thời gian dồn hết sức lực vào công việc nhưng hiệu quả không như mong đợi, em đã rơi vào trạng thái quá tải, buồn chán và trầm cảm. Tuy nhiên, Trang không dám chia sẻ với ai vì sợ nhận lại những câu nói như "thế mà cũng không vượt qua được", "tại sao lại yếu đuối như vậy"....
Một mình vật lộn với giai đoạn khó khăn, Trang đã quyết định nghỉ việc và từ bỏ tất cả để có thời gian dành cho bản thân. Thu Trang chia sẻ, công việc càng hào nhoáng, mức thu nhập càng hấp dẫn thì cơ thể càng nhanh kiệt sức. Áp lực công việc giống như một bàn tay vô hình dần dần bóp nghẹt mỗi con người không chỉ thể xác mà cả tinh thần.
Để hạn chế stress, áp lực trong công việc
Áp lực công việc, stress đang hiện hữu mỗi ngày tại các văn phòng, công xưởng. Một nghiên cứu của WHO chỉ ra rằng stress liên quan đến công việc làm thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu do năng suất lao động sụt giảm và chi phí y tế gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa thực sự được quan tâm và nhìn nhận đúng mực.
Theo Ths.BS Trịnh Thị Vân Anh – Khoa Rối loạn liên quan đến stress và sức khỏe tình dục, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, hiện thị trường lao động cạnh tranh rất khốc liệt, đòi hỏi người lao động phải liên tục chạy theo các chỉ tiêu ngày càng tăng cao. Điều này vô hình chung đã khiến ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xóa nhòa. Thời gian ăn, ngủ, nghỉ của người lao động bị rút ngắn lại nhường cho công việc khiến họ phải hoạt động liên tục và dẫn đến quá tải. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động trực tiếp tới tinh thần.

Về lâu dài, áp lực công việc, stress khiến người lao động bị rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, hiệu suất công việc giảm, ngại giao tiếp xã hội, thường xuyên thấy căng thẳng, lo lắng, bất an và khó kiểm soát cảm xúc. Nếu không được can thiệp và điều trị, dễ dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát.
"Khi có những bất thường về giấc ngủ, chán ăn, rối loạn tình dục, giảm hiệu suất công việc hay rối loạn cảm xúc kéo dài trên 2 tuần, người bệnh cần được thăm khám và tư vấn bởi các bác sỹ chuyên khoa tâm thần để có hướng điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn" - BS Vân Anh khuyến cáo.
Để hạn chế stress, áp lực trong công việc, mỗi người nên thiết lập ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống. Nên dành thời gian để bản thân có quãng nghỉ, tái tạo lại sau 1 tuần bận rộn. Ngủ đủ giấc là yếu tốt rất quan trọng giúp hạn chế tối đa nguy cơ stress. Nếu bạn thấy khó ngủ hay thử nghe một chút nhạc nhẹ nhàng hoặc vận động nhẹ để cơ thể thư giãn. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ. Đồng thời duy trì tập thể dục đều đặn hàng ngày và giữ các mối quan hệ lành mạnh. Đó là những yếu tố giúp bạn vượt qua được những áp lực, khó khăn trong công việc và cuộc sống hàng này.
Bên cạnh đó, BS Vân Anh cũng nhấn mạnh, chăm sóc sức khỏe tinh thần là hành động dũng cảm và thông minh, không phải dấu hiệu yếu đuối. Vì vậy hãy mạnh dạn tìm đến các chuyên gia tâm lý mỗi khi thấy bất ổn.