Từ sáng sớm, rất đông bà mẹ đang nuôi con nhỏ và thai phụ đã đến trạm y tế xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy để được hướng dẫn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ. Mặc dù đã có kinh nghiệm nuôi ba con nhưng chị Nguyễn Thị Dinh vẫn thấy có những kiến thức hết sức mới mẻ lần được được nghe. “Em thấy nhiều cái chưa biết, ví dụ nếu như cho con bú không đúng tư thế, không khí sẽ lọt vào cùng sữa mẹ khiến con bị đầy bụng đi tiêu có bọt. Có lần bé nhà em bị như thế khiến em tưởng con bị đi ngoài do mẹ ăn uống...Nếu như có nhiều buổi hướng dẫn như thế này thì rất tốt, giúp em có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc con.” – chị Dinh chia sẻ.

Với người chuẩn bị làm mẹ như chị Phạm Thị Dung, những thông tin mà bác sĩ cung cấp đã giúp chị vững tin hơn trong hành trình nuôi con nhỏ sắp tới. Chị cho biết, mặc dù đã đọc những thông tin về chăm sóc trẻ sơ sinh trên mạng interet nhưng những buổi trao đổi trực tiếp như thế này đã bổ sung cho chị thêm nhiều kinh nghiệm từ thực tế.

Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, năm 2010 tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu chỉ đạt gần 20% . Đến năm 2020, tỉ lệ này có sự cải thiện đáng kể, khoảng hơn 45%. Trong đó, ở khu vực thành thị, số trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là gần 56%, ở nông thôn là 40% và nông thôn miền núi là gần 43%.

Trực tiếp hướng dẫn và trao đổi, trò chuyện với các bà mẹ tham gia buổi tập huấn về nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ Lại Văn Hạ - trưởng khoa Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình – cho biết, hiện nay, đa số các bà mẹ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành, nhiều khi bà mẹ vẫn lúng túng, chẳng hạn như không biết một ngày cho con bú bao nhiêu là đủ, làm thế nào để nhận biết bé... Rất nhiều băn khoăn, thắc mắc xuất phát từ thực tế chăm sóc con nhỏ của các bà mẹ đã được giải đáp cặn kẽ trong buổi tập huấn.

Không chỉ tổ chức các buổi truyền thông tại trạm y tế xã, với các bà mẹ vừa mới sinh con, cán bộ trạm y tế xã Thụy Trường còn đến tận nhà để hướng dẫn thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Sinh con lần đầu nên bà mẹ trẻ Ngọc Huyền gặp nhiều khó khăn, khi chăm sóc em bé, nhất là việc cho con bú. Tuy nhiên, nhờ có nhân viên y tế đến tận nhà hỗ trợ, việc cho con bú đã suôn sẻ hơn. Em bé được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ nên tăng cân tốt, chị Huyền cũng có nhiều thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau sinh.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hiên cho biết, mỗi khi trên địa bàn xã có bà mẹ mới sinh con và thông báo với trạm y tế thì chị sẽ đến tận nhà để theo dõi hậu sản cho bà mẹ, chăm sóc rốn cho em bé cũng như tư vấn cho các bà mẹ cách nuôi con bằng sữa mẹ. “Có những bà mẹ lo lắng nuôi con bằng sữa mẹ không đủ chất, con không tăng cân hoặc do công việc bận rộn nên phải cho trẻ ăn thêm sữa ngoài. Hoặc nhiều bà mẹ chưa thực hiện đúng tư thế cho con bú, chưa biết cách ăn uống để có đủ sữa...thì chúng tôi đến tư vấn các bà cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì nuôi con bằng sữa mẹ đến khi trẻ đơ]cj 18-24 tháng tuổi.” – Y sĩ Hiên chia sẻ.

Theo y sĩ Vũ Văn An, trạm trưởng trạm y tế xã Thụy Trường, hiện nay, đa số bà mẹ trên địa bàn đều cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, sau 6 tháng nghỉ thai sản, nhiều bà mẹ làm công nhân rất khó duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó, y sĩ Vũ Văn An mong muốn có nhiều hơn những buổi truyền thông trực tiếp để nâng cao nhận thức của các bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ nói riêng và chăm sóc trẻ nhỏ nói chung.

Bác sĩ Lại Văn Hạ cũng cho rằng, hiện nay, các bà mẹ có thể tham khảo các thông tin về nuôi con trên mạng internet. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông trực tiếp về nuôi dưỡng trẻ nhỏ vẫn rất cần thiết được duy trì bởi hình thức này có sự tương tác, giúp bà mẹ trao đổi với các bác sĩ và được giải đáp ngay những băn khoăn, thắc mắc.

Cũng theo bác sĩ Lại Văn Hạ, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 1.000 nhà máy, xí nghiệp, thu hút lực lượng lớn người lao động trẻ tuổi, trong đó có nhiều phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cũng sẽ tham mưu và đề nghị các ban ngành, đoàn thể khuyến khích các nhà máy, xí nghiệp thành lập phòng lưu trữ sữa cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Đây sẽ là một hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các bà mẹ duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ, nâng cao tỷ lệ trẻ được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa tự nhiên.