Hiện nay có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại ASEAN, 5 quốc gia Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành lệnh cấm sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng 2 loại thuốc này.

Chia sẻ với Phóng viên VOV2, Ths Nguyễn Hạnh Nguyên – Cán bộ chương trình phòng chống thuốc lá và các bệnh không lây, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam cho biết, các quốc gia kiểm soát thuốc lá thành công thường áp dụng chiến lược toàn diện dựa trên Công ước khung của Tổ chức y tế thế giới (viết tắt là WHO) về kiểm soát thuốc lá. Bao gồm các nhóm giải pháp như: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; bảo vệ mọi người khỏi tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, thông qua thực hiện các chính sách về môi trường không khói thuốc; cảnh báo về tác hại của thuốc lá và in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì thuốc lá; thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; giám sát việc sử dụng thuốc lá và thực thi chính sách cấm toàn diện đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để ngăn ngừa các nguy cơ mới nổi.

“Lệnh cấm hút thuốc toàn diện sẽ đem lại hiệu quả hơn trong việc bảo vệ người dân khỏi tác hại của khói thuốc. Có 5 quốc gia ASEAN thực hiện cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh với kích thước được coi là thực hành tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, Thái Lan đang dẫn đầu với diện tích cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh lớn nhất trong khu vực (85%), tiếp theo là Singapore, Brunei, Lào và Myanmar với 75%. Tại Việt Nam, diện tích cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50% trên mặt chính của bao bì thuốc lá, thuộc top các quốc gia có diện tích cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh nhỏ nhất trong khu vực. Đặc biệt Thái Lan có tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá cao nhất (81,3%), tiếp theo là Singapore (70,7%) và Brunei (62%)” - Ths Nguyễn Hạnh Nguyên nói.

Cũng giống nước ta, ngay từ khi bắt đầu triển khai lệnh cấm, các quốc gia này đều gặp phải những phản ứng mạnh mẽ từ ngành công nghiệp thuốc lá. Họ thường sử dụng các biện pháp như kiện tụng chính phủ, gây áp lực về kinh tế, hoặc đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Ngoài ra, những khó khăn về thay đổi nhận thức xã hội, năng lực thực thi luật pháp và sự thiếu hụt nguồn lực để thực thi các chính sách.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm, họ đã bước đầu thực hiện thành công trong việc kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá. Ví dụ như Thái lan, sau khi lệnh cấm ban hành, ngành công nghiệp thuốc lá vẫn tiếp tục vận động để đưa các khuyến nghị về hợp pháp hóa thuốc lá điện tử, song, Chính phủ Thái Lan đã bác bỏ khuyến nghị này và vẫn giữ nguyên quy định cấm như trước đó.

Còn ở Việt Nam, kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá mới theo các nhóm tuổi cho thấy, nhu cầu về việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là ở trẻ em gái tăng lên. Theo báo cáo tổng hợp của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, năm 2023, có tới hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca, nhiều bệnh nhân được xác định ngộ độc ma túy tổng hợp.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173 năm 2024 về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người. Nghị quyết có hiệu lực từ năm 2025. Với quyết định này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Theo bà Nguyễn Hạnh Nguyên, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại kỳ họp thứ 8 vừa qua là một quyết định đúng đắn và kịp thời để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong việc phòng ngừa và ngăn chặn những hậu quả nặng nề về sức khỏe, kinh tế, xã hội do sử dụng những sản phẩm này gây ra…

Kể từ sau khi có lệnh cấm, nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán thuốc lá trước đây đã phải đóng cửa, số người sử dụng thuốc lá có giảm nhưng chưa đáng kể, những hành vi vi phạm trong cả buôn bán lẫn sử dụng các sản phẩm thuốc lá vẫn còn khá phổ biến. Nguy hiểm hơn là gia tăng số người hút ở lứa tuổi học sinh và trẻ em gái. Đây là hệ quả trực tiếp của việc tiếp thị mạnh mẽ, nhắm đến giới trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá, cùng với khoảng trống về chính sách trong kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới ở nước ta trong giai đoạn trước.

Vì vậy, theo bà Nguyễn Hạnh Nguyên, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực hiện quản lý thuốc lá từ các quốc gia đã thành công trước đó.

“Để phòng chống tác hại cần có môi trường chính sách để giảm khả năng tiếp cận cũng như giảm sự sẵn có của sản phẩm trên thị trường. Chính sách giảm sự sẵn có trên thị trường cũng như giảm số người hút hiệu quả nhất đó chính là chính sách thuế và giá. WHO khuyến cáo giải pháp thuế là giải pháp quan trọng bậc nhất góp phần giảm 50-60% tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá. Theo WHO, để giảm số người hút thì tỷ lệ thuế đối với thuốc bán lẻ phải ở mức cao là 75% trên giá bán lẻ, trong khi đó mức thuế và giá ở Việt Nam hiện nay còn đang quá thấp, nên dễ tiếp cận. Ngoài thuế thuốc lá thì Việt Nam cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như thực hiện nghiêm quy định về môi trường không khói thuốc, quy định cấm quảng cáo khuyến mại tài trợ thuốc lá và giải pháp nữa cũng đang được đẩy mạnh đó là in tăng cường cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá và tiến tới thực hiện bao bì trắng…” – bà Nguyễn Hạnh Nguyên nhận định.

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen của một cá nhân mà nó đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng vì thế rất cần triển khai những giải pháp mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để thực thi những giải pháp này cần sự đồng thuận cao của toàn xã hội.