Anh Lê Quang Tuấn, bố của bé Lê Ngọc Minh Thư ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, ngay từ lúc mới sinh ra bé Thư đã không thể ti mẹ hay uống sữa, miệng bé thường xuyên bị sùi bọt cua không rõ nguyên nhân. Cho đến khi, bé có triệu chứng khó thở tăng dần, các bác sĩ ở tuyến cơ sở chuyển bé lên BV Nhi Hà Nội. Tại đây, bé được chẩn đoán là bị teo thực quản type C.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ ở khoa sơ sinh, BV Nhi Hà Nội tiến hành hồi sức để đảm bảo cho bé có đủ sức khỏe cho ca mổ phẫu thuật vào ngày hôm sau. BS CKII Trần Văn Quyết – Trưởng khoa ngoại tổng hợp cho biết: Teo thực quản là dị tật bẩm sinh hiếm gặp, trong 5000 đứa trẻ sinh ra mới có 1 trẻ mắc bệnh lý này. Bệnh này gây ra những tổn thương nặng ở đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến chức năng sống của trẻ, do đó cần phải phẫu thuật ngay cho bé, càng sớm càng tốt:

“Với những tổn thương như thế này sẽ ảnh hưởng nhiều đến chức năng sống của đứa trẻ, thứ nhất là trẻ không ăn uống được. Dịch từ miệng thậm chí là sữa cho đứa trẻ bú vào thì có thể nôn và nó sặc vào trong đường thở, có thể suy hô hấp cấp dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng của đứa trẻ. Vì những biến chứng có thể xảy ra nguy hiểm như thế nên chúng tôi sau khi hồi sức cơ bản, đủ điều kiện an toàn thì tiến hành phẫu thuật luôn cho bé” – BS Trần Văn Quyết cho biết.

Có 2 phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh teo thực quản type C, đó là: Mổ mở và mổ nội soi. Với trường hợp của bé Minh Thư, ê kip bác sĩ quyết định mổ mở để tránh gây ảnh hưởng đến phổi của bé.

“Nếu mổ mở thì đường mổ 6-7cm. Còn mổ nội soi thì tiếp cận bằng 3 lỗ vào trong khoang lồng ngực thì chỉ khoảng 5-10mm. Tuy nhiên, mổ mở đi hoàn toàn từ phía sau, bên ngoài khoang màng phổi. nhưng nếu mổ nội soi thì phải đi từ khoang màng phổi nên quan điểm mổ mở và mổ nội soi còn khác nhau của mỗi phẫu thuật viên. Trường hợp này chúng tôi quyết định mổ mở để tiếp cận bên ngoài khoang màng phổi tránh ảnh hưởng đến phổi của bé” – BS Trần Văn Quyết nói.

Tuy nhiên, vì bé Minh Thư mới chỉ có 2 ngày tuổi, các cơ quan quyết định đến chức năng sống của trẻ như tim gan phổi đều chưa hoàn thiện thì quá trình gây mê gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do không gian phẫu thuật nhỏ hẹp, vết mổ chỉ dài khoảng 6cm nên yêu cầu các thao tác của bác sĩ phải chính xác tuyệt đối.

Sau nhiều giờ nỗ lực, ca mổ thành công. Trẻ tiếp tục được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Sơ sinh của Bệnh viện. Sau 8 ngày, bé được cai máy thở, tình trạng viêm phổi cải thiện rõ rệt. Chứng kiến sự hồi phục của con từng ngày, vợ chồng anh Quang Tuấn và gia đình vui mừng khôn xiết.

“Lên Bệnh viện Nhi Hà Nội, các bác sĩ chẩn đoán teo thực quản type C mới biết đến bệnh này, gia đình rất lo lắng. Được bác sĩ giải thích nên tin tưởng vào ca phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công, bé đã đi khám lại 2 lần, mọi thứ đều bình thường. Bé bây giờ được 50 ngày tuổi, ăn tốt phát triển lên cân, gia đình mừng lắm, cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Nhi Hà Nội nhiều đã cứu sống bé”– anh Lê Quang Tuấn nói.

Điều đáng mừng nữa là sau phẫu thuật, các đoạn nối thực quản của bé lưu thông khá tốt nên Minh Thư đã tránh được lsần phẫu thuật tiếp theo.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ sơ sinh có các biểu hiện bất thường như tăng tiết nước bọt, sủi bọt cua ở miệng, trẻ tím tái ngay lần bú đầu tiên, ho sặc, nôn chớ nhiều ngay sau sinh… thì cần theo dõi sát, đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và can thiệp kịp thời.