Sau khi giải thích cặn kẽ với thai phụ đang mang thai ở tuần thứ 29 về tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng do Covid-19 có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của cả mẹ và con, cần phải mổ cấp cứu để tăng cơ hội sống cho cả hai, bác sĩ Trương Minh Phương cùng các đồng nghiệp nhanh chóng đưa bệnh nhân vào phòng mổ.

Chỉ sau ít phút, bé trai nặng 1,4kg đã được đưa ra từ bụng mẹ. Hai điều dưỡng nhanh chóng đón bé, thành thục thực hiện các biện pháp sơ cứu, rồi chuyển lên khu Sơ sinh để tiến hành thở máy. Còn người mẹ, sau ca mổ được theo dõi chặt chẽ và khi các chỉ số sinh tồn ổn định, các bác sĩ chuyển chị sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh để áp dụng các biện pháp điều trị tích cực hơn. Khi nhận tin báo bệnh nhân chuyển viện an toàn, BS Phương và cả kíp mổ mới bớt lo lắng.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang chăm sóc, điều trị cho hơn 120 thai phụ nhiễm Covid-19. So với các thai phụ khỏe mạnh, việc điều trị và chăm sóc cho các thai phụ mắc Covid-19 khó khăn và căng thẳng hơn bởi diễn biến bệnh chuyển từ nhẹ sang thể nặng rất nhanh. Trong đó, không hiếm gặp những ca nguy kịch và các bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định khó khăn, đó là đình chỉ thai kỳ để hi vọng cứu được cả sản phụ và thai nhi. Cũng có một số trường hợp chỉ có thể cứu được người mẹ do thai nhi quá non tháng. Phòng mổ lúc nào cũng sáng đèn và các thầy thuốc luôn trong trạng thái sẵn sàng mổ cấp cứu để giành giật sự sống cho người bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, với sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, đã có nhiều ca sinh nở an toàn, “mẹ tròn con vuông”. Chị Nam Phương – một sản phụ đang được điều trị tại đây cho biết, chị có kết quả dương tính với SARS- CoV-2 khi đang mang thai ở tuần thứ 36. Sau hai ngày nhập viện, chị bị sốt rất cao và khó thở. Lúc đó, chị vô cùng hoảng sợ, chỉ nghĩ đến tình huống xấu nhất. Được các y bác sĩ trấn an, động viên và cho thở oxy hỗ trợ hô hấp đồng thời tiến hành phẫu thuật, con gái của chị đã chào đời. May mắn bé không bị lây nhiễm Covid-19 nên chỉ sau hai ngày đã được gia đình chị đón về nhà chăm sóc. “Em đặt tên con là Phương An – vì trải qua những khoảng khắc sinh tử, em chỉ cầu mong con bình an, khỏe mạnh. Em rất vui và cảm ơn các bác sĩ” – Chị Nam Phương tâm sự.

Với các y bác sĩ, mỗi em bé chào đời khỏe mạnh như con của chị Nam Phương luôn là những niềm vui, là động lực to lớn và nhen nhóm lên niềm hi vọng về một thế hệ tương lai được sống trong môi trường không có dịch bệnh.

“Mỗi một một sinh linh bé bỏng là niềm kỳ vọng của cả gia đình, xã hội. Chúng tôi ở trong khu điều trị Covid-19 này thường xuyên được chào đón những em bé khỏe mạnh được sinh ra giữa tâm dịch. Rất là vui sướng và hạnh phúc được là người đầu tiên đón những công dân của đất nước giữa thời khắc mang tính lịch sử trong đại dịch. Tôi mong ước dịch bệnh sẽ qua đi, trả lại cuộc sống bình thường cho tất cả mọi người.” – BS Trương Minh Phương chia sẻ.

Bên ngoài cánh cổng bệnh viện, phố phường náo nức đón xuân, nhà nhà sum họp. Nhưng kể từ khi vào tua trực từ ngày 16 tháng 1 đến nay, với các y bác sĩ tại cơ sở 2 của BV Phụ sản HN, mối quan tâm lớn nhất là diễn biến của từng bệnh nhân. Ngay cả trong những bữa ăn vội vàng, những câu chuyện cũng thường xoay quanh tình hình sức khỏe của các thai phụ và các em bé, nhất là những trẻ sơ sinh non tháng, phải chăm sóc đặc biệt.

“Chúng em vào đây làm việc quên cả ngày tháng. Hôm nay là ngày bao nhiêu Tết em cũng không biết. Công việc cứ cuốn đi, ngày ngày chăm sóc bệnh nhân, bất kể thời gian. Chỉ khi nào tiêm truyền, phát thuốc, theo dõi bệnh nhân hết một lượt và các bệnh nhân tạm thời ổn định thì mới hết ca trực. Có những đêm 12h hoặc 1- 2 h sáng mới đi ngủ” – một điều dưỡng cho biết.

Cũng có những khoảnh khắc xao lòng, nhớ nhà khi Tết đến, xuân về, những nỗi lo âu khi người thân ở nhà đang đau ốm nhưng guồng quay công việc hối hả cứ cuốn đi. Hơn nữa trước đó, đã xung phong trực xuyên Tết nên không ai muốn rời bỏ nhiệm vụ giữa chừng. Với hộ lý Phạm Thị Hải Hà và nhiều y bác sĩ, đây là lần đầu tiên ca trực Tết kéo dài đến 3 tuần và các anh chị xa nhà lâu đến vậy.

“Như mọi năm, chiều 30 ở nhà làm cơm cúng tất niên rồi chuẩn bị đón giao thừa. Sau đó, tất cả bố mẹ, anh chị em, con cháu cùng quây quần, chúc Tết nhau rất đông vui. Nhưng năm nay, tôi tình nguyện tham gia tua trực từ 14 tháng 12 âm lịch đến mùng 6 Tết. Đêm giao thừa là nhớ nhà nhất nhưng vì công việc, vì người bệnh thì phải cố gắng. Vào đây tất cả mọi người đều hỗ trợ công việc lẫn nhau và quan tâm nhau như trong một gia đình. Vì vậy nỗi nhớ người thân cũng vợi bớt và cùng nhau nỗ lực thực hiệm nhiệm vụ” – Chị Hà chia sẻ.

Chỉ một hai hôm nữa, tua trực xuyên Tết kéo dài ba tuần sẽ kết thúc. Ngoài cánh cổng bệnh viện, mùa xuân vẫn đang đợi những người thầy thuốc quả cảm.