Có gia đình cho các bé về quê, có gia đình lại tổ chức những chuyến du lịch, picnic xa nhà hoặc cùng con chơi những trò chơi vui nhộn… Đầu bếp Hoàng Cường- một ông bố bỉm sữa nổi tiếng trên mạng xã hội, gia đình nhỏ 4 thành viên của anh tất bật chuẩn bị mọi thứ để đón Tết. Công việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa đã được cả gia đình đầu bếp Hoàng Cường thực hiện từ nhiều ngày trước Tết. Vợ chồng anh hướng dẫn cô con gái hơn 8 tuổi cùng chuẩn bị Tết, dọn dẹp nhà cửa và làm những món ăn trong ngày Tết.

“Tết với gia đình là sự sum họp, là khoảng thời gian rất ý nghĩa để bố mẹ và con cái gắn kết với nhau. Cả năm khó khăn vì dịch bệnh nhưng mỗi khi về nhà nhìn thấy các con là cảm thấy vui và hạnh phúc, năm nay gia đình có thêm em bé nên Tết này cả nhà đều rất vui”- đầu bếp Hoàng Cường chia sẻ.

Với những gia đình có con nhỏ thì việc tạo cho bé một cái Tết vui chính là mong muốn của các cha mẹ. Vậy phải làm thế nào khi mà Tết, các mẹ vẫn phải lúi húi với những mâm cỗ Tết, với vô số việc không tên?

Bà Trần Thị Thu Hà– Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết: “Các gia đình đã trải qua 1 năm dịch bệnh đầy khó khăn nhưng Tết đến Xuân về luôn là khoảng thời gian để chúng ta mong ước những điều tốt đẹp và hạnh phúc. Vậy, để có một khởi đầu vui vẻ cho cả nhà sau một năm đầy sóng gió, các gia đình cần phải quan tâm phòng dịch để giúp ông bà, con cái khỏe mạnh khi tới thăm hoặc về quê ăn Tết”.

Kỳ nghỉ Tết dài ngày đối với các gia đình có con nhỏ là dịp để cha mẹ có khoảng thời gian chăm sóc và tương tác với con nhiều hơn. Vào mỗi buổi sáng, các mẹ có thể nằm “nướng” cùng con ở trên giường, ôm con vào lòng và nói chuyện về ký ức ngày Tết. Điều này sẽ giúp tình cảm cha mẹ và con cái ấm áp hơn.

Để giảm tải công việc ngày Tết và có thời gian chơi cùng con nhiều hơn, mỗi gia đình cần cân bằng mọi công việc trong ngày Tết. Chuẩn bị Tết chu đáo nhưng không cần quá cầu kỳ bởi nếu tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc bếp núc, các con sẽ mất cơ hội được tương tác và chơi cùng ông bà cha mẹ. “Mỗi năm cha mẹ sẽ hướng dẫn các con cùng chuẩn bị những món đơn giản cho mâm cơm cúng ngày Tết. Ví dụ như cắt bánh chưng, cắt giò, sắp xếp mâm cúng và dạy các bé khấn nôm na, như vậy các bé sẽ biết cách bày biện và chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết”- bà Thu Hà nói.

Tuy nhiên, chơi với con trong kỳ nghỉ Tết như thế nào cũng là cả một vấn đề. Do dịch bệnh nên việc ra ngoài chơi, đi chúc Tết cũng sẽ hạn chế hơn. Vì thế việc cùng con chơi tại nhà cũng cần được chú ý như tăng cường các trò chơi phát triển trí tuệ như chơi cờ vua, cờ tướng… Có thể tranh thủ cho các con ra ngoài, đến những nơi vắng người để chơi các trò chơi vận động như nhảy dây, đá bóng, đi xe đạp. Quan trọng là bố mẹ cần phải buông điện thoại và chơi cùng con thì như vậy mới có thể tạo ra khoảng thời gian vui Tết cùng bé.

“Tục khai bút đầu Xuân bố mẹ cũng có thể cùng con thực hiện với tâm trạng vui vẻ bằng cách cha mẹ và con cái tập viết nắn nót dòng chữ Chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt và tiếng Anh rồi cùng vui vẻ cho nhau xem và khen nhau, điều này sẽ tạo cho cả nhà cùng vui”- bà Hà chia sẻ.

Các bé rất thích Tết vì được người lớn lì xì, nhưng người lớn chúng ta nên lì xì cho các bé thế nào để không làm lệch lạc các giá trị của phong tục này? Theo bà Trần Thị Thu Hà, các cha mẹ nên kể cho các bé nghe về câu chuyện lì xì ngày Tết và ý nghĩa của nó, dạy con biết cách nhận và nói lời cảm ơn như thế nào… Lì xì có thể bằng nhiều hình thức, có thể là số tiền nhỏ tượng trưng may mắn, hoặc cũng có thể bằng quà hoặc sách. Năm nay, có thể lì xì phong bao tiền cộng với một món quà, hoặc một cuốn sách đóng gói thật đẹp, rồi dần dần các năm sau đó sẽ chuyển sang lì xì bằng các món quà hay nếu các cha mẹ muốn.

Mùa Xuân mới đang về với biết bao hy vọng. Cuộc sống gia đình luôn cần những tiếng cười. Xuân mới hãy sống thật trọn vẹn cảm xúc với gia đình. Cho dù mọi thứ có thay đổi nhưng những giá trị về Tết, về sự bao dung, ấm áp của gia đình sẽ luôn đồng hành với mọi nhà. Bởi Tết luôn là Tết vui.