Bệnh viện xin dừng tự chủ vì giá dịch vụ y tế hiện nay chưa tính đúng, tính đủ nên thu không đủ bù chi. Hàng nghìn nhân viên y tế bỏ việc, rời khu vực công sang khu vực tư vì thu nhập thấp… Câu chuyện về nguồn thu từ phí dịch vụ y tế hiện được cho là then chốt để giải quyết rất nhiều vấn đề về nhân lực, về vận hành bệnh viện hiện nay. Vì thế, Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập được cho là giải pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) có quan điểm khác về Dự thảo lần này.

Phóng viên: Theo bà, quy định mới về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu mà Bộ Y tế đang xây dựng cần phải căn cứ vào những vấn đề gì của thực tiễn đang đặt ra?

Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh: Tôi nghĩ là để tính toán về mức giá dịch vụ y tế lần này thì cần tính đến 3 yếu tố. Một là cán bộ y tế. Có nhiều người tăng giá dịch vụ để bệnh viện có thêm nguồn thu, trả lương nhân viên cao hơn để ngăn tình trạng nhân viên y tế bỏ việc. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, trước dịch Covid-19 cán bộ y tế không bỏ đi, tại sao sau dịch Covid-19 họ lại bỏ đi. Phải chăng họ đi chỉ vì thu nhập thấp?

Thứ hai, phải tính đến đời sống của người dân. Sau dịch Covid-19, hiện nay là khủng hoảng năng lượng và chiến tranh trên thế giới, cuộc sống của người dân đang khó khăn. Nếu tăng giá thì sẽ tác động đến người dân ra sao, phải có đánh giá.

Và thứ ba, tăng giá dịch vụ y tế - ai sẽ là người chi trả? Nếu là để người dân chi trả thì vai trò Nhà nước ở đâu?

Phóng viên: Sau khi nghe tin giá dịch vụ y tế theo yêu cầu “rục rịch” tăng, nhiều người dân rất lo lắng, băn khăn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ. Còn ở phía các bệnh viện lại nhận được sự đồng thuận rất cao với mức giá mới được xây dựng trong Dự thảo. Để hài hòa được lợi ích hai bên quả là quá khó, thưa bà?

Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh: Tôi thấy hơi quan ngại khi chúng ta có hai bên, một bên là bệnh viện, một bên là người dân. Nếu để cho bệnh viện có thu nhập cao hơn thì người dân phải trả nhiều tiền hơn. Nghe thế đã là không đúng! Vì dịch vụ chăm sóc sức khỏe là dịch vụ an sinh xã hội lớn nhất của bất cứ quốc gia nào. Vai trò của Nhà nước là rất quan trọng nhưng ở đây tôi chưa thấy đề cập đến vai trò của của Nhà nước. Hiện tôi chỉ thấy Nhà nước chỉ là trọng tài ở giữa, đứng xem người dân trả bao nhiêu, bệnh viện thu bao nhiêu.

Một đất nước phát triển thì người ta đánh giá bằng mức độ công bằng của dịch vụ y tế, bằng chuyện Nhà nước chi trả bao nhiêu và người dân là bao nhiêu trong dịch vụ y tế. Tôi lấy ví dụ, hiện nay, ở Thái Lan mức chi trả cho dịch vụ y tế từ tiền túi của người dân là 8.67%, tại Pháp 9.25%, còn ở Việt Nam lên đến 43%.

Chính phủ có đặt ra mục tiêu là 2025, giảm tỷ lệ này xuống dưới 35%. Nhưng nếu giá dịch vụ theo yêu cầu tăng rồi tiến tới cả giá của BHYT cũng tăng theo nguyên tắc tính đúng tính đủ nữa thì việc giảm mức chi trả từ tiền túi của người dân như Chính phủ đặt ra sẽ không đạt được.

Vì vậy, theo tôi phải tính đến bên thứ 3, đó là Nhà nước. Nhất là nước ta là nước xã hội chủ nghĩa, không thể để dịch vụ y tế theo thị trường. Vì tính đúng tính đủ là theo thị trường rồi.

Còn một vấn đề nữa tôi muốn nói, đó là giá dịch vụ theo yêu cầu là dành cho 2 đối tượng là người không có thẻ BHYT và người giàu. Về người giàu, chúng ta không cần phải lo cho họ. Họ có thể đến các bệnh viện tư nhân hoặc ra nước ngoài. Còn người không có thẻ BHYT, giá dịch vụ theo yêu cầu tăng lên thì họ làm thế nào? Trên thực tế, khi chúng tôi làm việc với người nghèo thì nhiều trường hợp họ nghèo là do gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Đó là còn chưa kể, tỷ lệ bao phủ BHYT hiện nay là 92%, đến năm 2025 là 95%, như vậy, nhóm đối tượng và Dự thảo này hướng đến là rất nhỏ.

Phóng viên: Nhưng bệnh viện cũng rất cần những nguồn thu như thế này để vận hành bệnh viện, trả lương và rất nhiều chi phí khác. Nếu đứng ở góc độ các bệnh viện, cơ sở y tế thì nhu cầu này là có lý, thưa bà!

Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh: Nó là có lý nếu thả bệnh viện cho thị trường. Bệnh viện như là một người làm ăn, tôi phải tính đúng, tính đủ từ giá đầu tư, khấu hao, nhà cửa, vật chất để cho ra giá thành. Nhưng chúng ta còn có Nhà nước cơ mà. Chúng ta đang tiến đến là nước có thu nhập trung bình, khá, vậy thì chi phí dành cho y tế cần phải tăng. Tổ chức y tế thế giới cho biết là hiện nay chi phí của các quốc gia dành cho y tế đang tăng lên và Việt Nam cũng nên làm như vậy. Ở các nước Châu Âu, 80% kinh phí hoạt động của y tế là từ nguồn tài chính công. Chúng ta không thể để bệnh viện “tự bơi” được mà Nhà nước cần phải lo.

Phóng viên: Nếu được góp ý cho Dự thảo lần này thì bà sẽ góp ý điều gì?

Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh: Tôi không muốn góp ý về dự thảo này. Tôi muốn Nhà nước xem xét lại tổng thể cấu trúc của hệ thống y tế và chính sách để lãnh đạo bệnh viện, nhân viên y tế không phải tìm mọi cách thu được tiền của bệnh nhân.

Dự thảo này chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời, không giải quyết được vấn đề lâu dài, toàn diện. Tôi tha thiết mong Chính phủ có cái nhìn toàn diện hơn. Với những cam kết, quyết tâm liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân, tôi hy vọng chúng ta sẽ có những giải pháp tổng thể cho ngành y tế Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đề xuất dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 (như BV Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, T.Ư Huế...) có mức tối đa 300.000 đồng/lần khám. Các cơ sở y tế khác giá tối đa 200.000 đồng/lần khám.

Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu tại BV hạng đặc biệt, hạng 1, mỗi phòng 1 giường tối đa 3 triệu đồng/ngày. Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/giường. Ở các tỉnh còn lại, giá giường nằm tối đa 1,5 triệu đồng loại phòng 1 giường.

Đáng lưu ý, tại dự thảo, lần đầu tiên có các dịch vụ theo yêu cầu như: dịch vụ phục hồi chức năng tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà; dịch vụ về môi trường, y tế dự phòng, tư vấn sức khỏe...

Giá dịch vụ kỹ thuật thay vì ban hành khung giá cụ thể, Dự thảo đã đưa ra hướng dẫn nguyên tắc tính giá. Theo đó, trường hợp sử dụng tài sản công để thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công

Dự thảo được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy để tái đầu tư và phát triển cho các bệnh viện.