Nhận định về tâm lý sợ sai, không dám làm của cán bộ hiện nay, TS Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, nó đang rơi vào một bộ phận không nhỏ cán bộ.

Ông nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, tác động đến nền kinh tế, đến sự phát triển, thịnh vượng của đất nước và tác động đến sức khỏe và sinh mệnh của người dân.

“Các dự án không được phê chuẩn khiến các doanh nghiệp chờ đợi thì công ăn việc làm của người dân lấy ở đâu ra. Hay như doanh nghiệp bán trái phiếu doanh nghiệp ra rồi, ôm một đống tiền đấy, nghĩ dự án được phê duyệt, nhưng không. Giờ thì họ ôm cả bọc tiền không đầu tư được trong khi lãi suất cao, như vậy thì doanh nghiệp sống làm sao được”, TS Nguyễn Sỹ Dũng phân tích.

Vì sao cán bộ sợ sai? Đây là một câu hỏi vừa dễ lại cũng rất khó để trả lời. Nếu nói là do vấn đề về đạo đức, trách nhiệm thì cũng đúng. Thấy dân khốn khổ, người bệnh không cứu được mạng sống thì vì động cơ trong sáng vẫn phải làm.

“Nhưng chúng ta cũng không nên một mặt như vậy. Chúng ta vẫn cần phải có thiết chế minh bạch, pháp luật rõ ràng. Chỉ nói là nâng cao tinh thần trách nhiệm cán bộ thì xem ra chỉ thiên kiến, một chiều, rất khó”, TS Nguyễn Sỹ Dũng đưa ra quan điểm.

Vì thế, nỗi sợ sai hiện nay được cho chủ yếu có nguyên nhân từ sự chưa rõ ràng của quy định Pháp luật.

“Quả thực là hệ thống Pháp luật quy định nhiều khi không rõ. Đến khi địa phương làm công văn hỏi Trung ương thì Trung ương bảo là đọc Nghị định này, Nghị định kia và yêu cầu làm đúng Pháp luật, vậy là hòa. Hệ thống Pháp luật hiện vẫn có tình trạng chồng chéo, tuân thủ luật này nhưng lại không tuân thủ luật kia”, TS Nguyễn Sỹ Dũng đưa ra minh chứng.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa từ năng lực thực thi pháp luật. Không có luật nào có thể quy định 100% những vấn đề của cuộc sống thật, mà người cán bộ phải có năng lực để vận dụng, áp dụng chính sách. Nếu nghĩ rằng Luật sẽ nói cho từng câu từng chữ để áp dụng thì không bao giờ có. Nếu trong Luật mà quy định từng câu từng chữ thì sẽ bế tắc khi áp dụng vào cuộc sống với ngàn lẻ một tình huống khác nhau. Vì thế năng lực thực thi Pháp luật hiện nay là một vấn đề lớn.

TS Nguyễn Sỹ Dũng dẫn ra từ thực tế về giá đất, một vấn đề rất nóng hiện nay: “giá đất được định giá theo thị trường cưỡng tương tự như cây quất sáng 30 Tết 1 triệu, chiều 30 Tết chỉ còn 50 nghìn, đó cũng là giá thị trường. Rất nhiều trường hợp nếu ta chỉ suy đoán đó là tham nhũng thì rất khó khăn cho người làm. Quy kết tham nhũng là phải có chứng cứ. Đất thời điểm anh ra giá là chừng này, nhưng hiện tại sao lên 10 lần rồi. Anh thấy giá chênh, kết luận là tham nhũng, thì khó. Các yếu tố phải được xem xét, chứng cứ phải rất rõ chứ không thể suy đoán. Nếu ta cứ suy đoán thì rất rủi ro cho công chức”

Phân tích những nguyên nhân như vậy để thấy rằng, muốn đảo ngược trạng thái “đứng im” hiện nay ngoài việc khuyến khích, động viên, nâng cao đạo đức công vụ, còn có một biện pháp căn cơ hơn đó là điều chỉnh Pháp luật.

“Trước vấn đề Luật pháp còn chồng chéo như vậy, tuân thủ luật này nhưng không tuân thủ luật kia thì cơ quan tư pháp cần xác định rõ động cơ là gì. Nếu người dân ốm đau, bệnh tật tử vong đến nơi, thì việc nhảy cóc thủ tục để mua thì đó không phải động cơ tham nhũng. Hoặc xem xét trong lĩnh vực đó pháp luật nào là chuyên ngành thì tuân thủ pháp luật đó, còn những quy định trong các căn bản khác nếu có không tuân thủ thì nên dược xem xét bỏ qua, vì 2 quy định xung đột nhau thì làm sao tuân thủ cả 2 được. Cơ quan truy tố có lẽ cũng cần cân nhắc điều này”, TS Nguyễn Sỹ Dũng nêu ý kiến.

Một thời gian dài chúng ta cho rằng là Pháp luật phải quy định chi tiết càng chi tiết càng tốt. Nhưng thực tế hiện nay lại đòi hỏi một sự điều chỉnh. Nếu không để một khoảng không gian rộng cho công chức có thể phản ứng trước các vấn đề cuộc sống mà bó chặt lại thì việc quyết đáp rất khó. Vì vậy, khi quy định Pháp luật phải để khoảng không gian để đội ngũ công vụ dấn thân, sáng tạo. Khoảng đó là bao nhiêu thì tùy thuộc vào tình hình, tham nhũng nhiều thì khoảng đó ít, mà đội ngũ cán bộ liêm chính nhiều thì khoảng đó rộng.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành chủ trương bảo vệ cán bộ, theo đó: khi mà cán bộ thực hiện kết quả thí điểm không đạt thì có thể xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đây là chính sách được dư luận xã hội đánh giá là rất kịp thời và cần thiết.

“Vì tuân thủ Pháp luật thì ko phải bao giờ cũng hợp lý và cái hợp lý không phải lúc nào cũng hợp pháp. Pháp luật đừng duy ý chí, hợp pháp - hợp lý phải đi liền, chỉ quy định theo chủ quan thì rất khó khăn. Chúng ta cần bảo vệ cán bộ là ở chỗ: nếu có động cơ trong sáng thì nếu xảy ra thất bại, anh có thể rút kinh nghiệm mà không bị truy tố, xử lý hình sự. Việc thể chế hóa kết luận 14 của Bộ chính trị là rất quan trọng”, TS Nguyễn Sỹ Dũng đề xuất.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay là cơ hội để sửa chữa con người và cũng là dịp sửa chữa cả những vấn đề phát sinh từ cơ chế. Vì thế, khi vấn đề đã bộc lộ và được nhìn nhận thì cần cấp thiết sửa đổi và chấn chỉnh, để nỗi sợ hãi nếu có chỉ nên dành cho những cán bộ có ý định tham nhũng, cơ hội, lợi ích nhóm mà thôi.