Ngày 14/3, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin, cả hai bệnh nhân được bệnh viện ở Nam Định chuyển đến, trong đó người đàn ông có các triệu chứng bệnh sau khi ăn tiết canh, còn người phụ nữ làm nghề giết mổ lợn.

Bệnh nhân nam tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm, nhập viện Đa khoa tỉnh Nam Định trong tình trạng khó thở, thở nhanh, tụt huyết áp, sốc nhiễm khuẩn, xơ gan. Khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân mệt mỏi, da niêm mạc tái nhợt, môi khô lưỡi bẩn, sốt cao, khó thở, bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc, viêm phổi. Sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.

Tình trạng bệnh nhân nữ nặng hơn, trạng thái kích thích, vật vã, sau đó hôn mê, suy hô hấp. Bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đặt nội khí quản, chẩn đoán viêm màng não. Vào Bệnh viện bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nổi ban xuất huyết ở tay chân, bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm phổi. Người bệnh thở máy, rút ống nội khí quản, qua cơn nguy kịch.

Từ đầu tháng 3 đến nay, các bệnh viện ở phía Bắc tiếp nhận nhiều ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đầu tháng 3, người đàn ông 52 tuổi làm nghề bán tiết canh đã nhiễm liên cầu lợn, được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội ghi nhận là ca đầu tiên trên địa bàn trong năm. Vài ngày sau, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Gần đây nhất là người đàn ông 51 tuổi, không ăn tiết canh hay tham gia giết mổ lợn, bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, điều trị tại Bệnh viện Quân y 103.

Bộ Y tế tuần trước dự báo số ca mắc liên cầu lợn khả năng tăng trong điều kiện khí hậu nắng nóng. Người dân được khuyến cáo cẩn trọng, do bệnh diễn biến cực kỳ nhanh, có thể tiến triển thành nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.

Để phòng ngừa bệnh bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, bệnh viện giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, xử lý ổ dịch, điều trị kịp thời. Người dân không nên ăn thịt lợn chưa được nấu chín hoặc lợn ốm, chết, không ăn tiết canh. Người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc cần có biện pháp bảo hộ như đeo găng tay, khẩu trang.