Ths. BS Nguyễn Lê Hà – Khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu Bệnh viện E cho biết, đây là trường hợp đầu tiên được BV điều trị thành công. "Trường hợp này rất đặc biệt vì có sự phối hợp giữa 2 bệnh lý trên cùng một bệnh nhân là viêm tủy thị thần kinh và bệnh lý lupus ban đỏ hệ thống. Trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhân có cả 2 bệnh lý này chỉ khoảng 1/5 triệu người...Thời điểm bệnh nhân đến bệnh viện, đột ngột xuất hiện tình trạng nhìn mờ, mất vận động từ ngang rốn trở xuống...nguyên nhân chưa rõ vì sao..."

Bà Lã Thị Cúc bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống từ 10 năm nay nhưng không điều trị. Từ hơn 1 năm trước bà thường xuyên bị mệt, đi lại mất thăng bằng, mắt nhìn mờ. 6 tháng trước, tình trạng này tái phát nghiêm trọng hơn.

"Trưa hôm đó vào bệnh viện huyện Hải Hậu, đến tối thì chân yếu hẳn. Vào viện từ trưa đến chiều tối mà không đi tiểu được. Đến sáng hôm sau ngủ dậy thì giật mình thấy chân bị liệt..." - bà Lã Thị Cúc cho biết.

Sau khi được chuyển tuyến lên Bệnh viện E, bà Cúc khi được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết để loại trừ nguyên nhân do khối u hay chấn thương vùng tủy sống, các bác sĩ Khoa Thần kinh phối hợp với Khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu chẩn đoán, bà Cúc có thể mắc bệnh viêm tủy thị thần kinh trên nền bệnh lý lupus ban đỏ hệ thống. Trên thế giới cứ 5 triệu người mới có 1 người mắc song song cả 2 bệnh lý này. Vì đây là trường hợp rất hiếm gặp nên để chắc chắn các bác sĩ đã gửi kết quả sang Hàn Quốc để xét nghiệm khẳng định. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, diễn biến bệnh của bà Cúc ngày càng xấu đi, có thể sẽ mất hoàn toàn khả năng vận động nếu không được điều trị sớm. Một số nghiên cứu đã cho thấy, nếu điều trị sau 2 tuần chỉ khoảng 1 đến 5% bệnh nhân phục hồi được. Vì thế, trong 2 tuần chờ kết quả từ Hàn Quốc gửi về, các bác sĩ đã quyết định thực hiện một số liệu pháp điều trị tấn công theo các tài liệu y khoa trên thế giới và kinh nghiệm thực tế từ các bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện lớn.

"Chúng tôi cho bệnh nhân điều trị thuốc chống viêm liều cao, mục đích để cải thiện và ngăn cản tiến triển viêm trong cơ thể. Ngoài ra còn tiến hành lọc máu cấp cứu cho bệnh nhân, sau đó kết hợp sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch và tích cực phục hồi chức năng..." - Ths. BS Nguyễn Lê Hà cho biết.

Với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như Phẫu thuật thần kinh, Hồi sức tích cực, Dị ứng miễn dịch lâm sàng và da liễu, sau 6 tháng kiên trì điều trị, mắt bệnh nhân đã nhìn rõ hơn, chức năng vận động được cải thiện đáng kể. Mới đây nhất khi đi tái khám tại BV E, bà Lã Thị Cúc đã có thể đi lại nhẹ nhàng – điều mà trong quá trình điều trị trước đó, đã có lúc bà không dám hy vọng. Bà Cúc chia sẻ: "40 ngày đầu điều trị chân vẫn không cử động được, cứ nghĩ không còn hy vọng nữa. Đến ngày thứ 45 thì ngón chân mới bắt đầu nhúc nhích được, lại hy vọng. Một tháng nay đã có thể đi lại nhẹ nhàng, mừng lắm...".

Theo các bác sĩ, viêm tủy thị thần kinh là bệnh tự miễn gây viêm hủy myelin của hệ thần kinh trung ương, thường tổn thương dây thần kinh thị giác và tủy sống. Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm thị thần kinh hoặc viêm tủy gồm các biểu hiện: đau nhức mắt, đau lưng, liệt 2 chân hoặc liệt tứ chi, kèm tê bì cảm giác, bí tiểu, bí đại tiện, buồn nôn, nôn hoặc nấc có thể kéo dài...do đó các bác sĩ khuyến cáo khi thấy các dấu hiệu này người dân cần đến khám sớm để việc điều trị đạt hiệu quả.