Phần lớn bệnh nhân nhập viện do bệnh lý về viêm phổi trên nền các bệnh mạn tính khác, tiếp đến là tai biến mạnh máu não, đái tháo đường, viêm khớp… Và, chính việc đến khám muộn hoặc trì hoãn điều trị là một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh tình dễ chuyển nặng.

“Những bệnh nhân tai biến mạch máu não nhập viên tăng khi thời tiết lạnh là do nguy cơ tăng huyết áp của các cụ. Các cụ không theo dõi huyết áp thường xuyên. Bình thường, huyết áp của bệnh nhân chỉ 120- 130mmHg nhưng thực tế khi tôi đến khám thì huyết áp đã là 180-190mmHg rồi. Và khi tôi hỏi bệnh nhân có đo huyết áp thường xuyên không thì bệnh nhân bảo là mới đo tuần trước thôi, vì vậy huyết áp tăng cao như thế” - BS. Tạ Hữu Ánh - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Lão khoa TW cho biết.

Khi bệnh mới khởi phát, triệu chứng không rõ ràng, đó cũng là nguyên nhân khiến người nhà chủ quan, không đưa các cụ đi khám.

Điển hình nhất là có cụ 96 tuổi, ở nhà chỉ bị ho húng hắng, đến khi thấy cụ khó thở, gia đình đưa đến bệnh viện thì đã suy hô hấp, dù các bác sĩ tiến hành cấp cứu nhưng bệnh viêm phổi đã biến chứng nặng, không thể cứu được nữa.

Trường hợp khác là bà N.T.B ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Cách đây một tháng, thấy bà ho húng hắng, các con cứ nghĩ bà chị bị ngứa họng đơn giản nên không quá quan tâm, mãi cho đến khi bà mệt, không thể ăn uống được, mới cho đi bệnh viện thì bà đã bị viêm phổi trên nền bệnh tim:

“Bà ở nhà bị ho mấy hôm, bảo bà đi khám nhưng bà không chịu đi, sau thấy yếu mới đưa bà đi khám bệnh viện tư, bác sĩ bảo cho bà nằm viện thì gia đình mới cho bà đi cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Sau 9 ngày điều trị tích cực ở BV Bạch Mai, bệnh tim đã thuyên giảm song bà lại bệnh viêm phổi cộng thêm tai biến, BV Bạch Mai chuyển bà sang BV Lão Khoa TW. Bà ở đây điều trị 1 tuần rồi, giờ vẫn lúc tỉnh lúc mê man” – Chị N.L.A – con gái bà cho biết.

Thời tiết lạnh, nồm ẩm còn kéo dài thời gian tới, do đó để phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, người cao tuổi nên đóng cửa, tránh không khí tràn vào nhà, bật điều hòa và máy hút ẩm để duy trì điều kiện môi trường ở mức nền nhiệt vừa phải. Người cao tuổi nên theo dõi sức khỏe định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền, tránh biến chứng khi mắc bệnh và nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho cơ thể…

“Khi thời tiết thay đổi thì huyết áp biến đổi chứ không giống như mọi ngày nữa. Nếu các cụ uống thuốc đều, giữ được huyết áp ổn định thì sẽ tránh được tai biến, còn về phòng ngừa các bệnh hô hấp thì các cụ cần giữ ấm, nhất là vùng cổ, đầu và chân. Với người già tối đi ngủ thì nên đội mũ len và đi tất, thậm chí đi ngủ đã đắp chăn rồi nhưng vẫn phải giữ ấm chân để tránh nguy cơ bị viêm mũi họng. Từ viêm mũi họng đó lan xuống đường hô hấp dưới sẽ dễ dẫn đến viêm phổi.

Thứ hai là tập thể dục ở các cụ, thói quen tập thể dục buổi sáng rất tốt. Tuy nhiên trời lạnh các cụ ra sớm thì dễ nguy cơ bị lạnh đột ngột buổi sáng dẫn đột quỵ. Các cụ nên đợi đến khi trời có ánh nắng hãy tập thể dục” - BS. Tạ Hữu Ánh khuyến cáo.

Người cao tuổi nên tiêm phòng cúm và phế cầu tránh nguy cơ bị viêm phổi. Đối với người cao tuổi đã mắc bệnh lý nền thì dù chỉ dấu hiệu nhỏ như ho, sốt, khạc đờm tăng lên là đã phải đến bệnh viện khám và điều trị ngay. Bệnh nhân đến bệnh viện sớm thì tiên lượng và kết quả của quá trình điều trị sẽ có sự khác biệt so với những bệnh nhân có triệu chứng nhưng lại vì lý do nào đó mà không đến bệnh viện.