“-Bà ơi, bà ăn uống được không? Có thấy khó chịu gì không?

-Bà ráng ăn uống nghen!”

Tiếng điều dưỡng Trần Văn Vũ vang lên trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Trung tâm y tế TP. Hà Tiên (Kiên Giang). Cũng câu hỏi đó nhưng đôi khi anh lại nói với bệnh nhân bằng tiếng Khơ me hoặc tiếng Hoa. Ở đây, người ta gọi anh là “thông dịch viên” của những bệnh nhân người dân tộc thiểu số.

Nhờ Vũ mà giao tiếp với bệnh nhân dễ dàng

Căn phòng nhỏ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Trung tâm Y tế TP. Hà Tiên chỉ đủ kê 2 chiếc giường cho 2 bệnh nhân. Vậy nhưng đã hơn tuần nay, 6 người – cả già lẫn trẻ “chen chúc” trong cùng một phòng.

Ba người lớn ngồi trên giường, 2 đứa con nít nằm dưới sàn nhà trải chiếu, còn anh thanh niên nằm lọt thỏm dưới gầm giường. Họ là 6 thành viên trong gia đình người dân tộc Khơ me ở giáp cửa khẩu Xà Xía (Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên), xã Mỹ Đức, TP. Hà Tiên.

Bà Phù Thị Lý, một thành viên trong gia đình ra hiệu với phóng viên VOV2 rằng mình không biết tiếng Việt. Thấy vậy, điều dưỡng Trần Văn Vũ dõng dạc:

“-Em cứ hỏi đi, rồi anh dịch!”

Nhờ vậy mà cuộc trò chuyện với gia đình 6 người của tôi được thông suốt.

-Đây là chồng, còn đây là con, kia là cháu nội và cháu ngoại. Thằng bé ôm bình sữa là thành viên nhỏ nhất, nó chưa tròn 3 tuổi. Cả nhà tôi đều mắc Covid-19 nên đành bỏ hết trâu bò, nhà cửa đi cách ly. Ông già hơi nhạt miệng còn tất cả các thành viên đều cảm thấy bình thường. Chúng tôi muốn ở cùng phòng để tiện sinh hoạt”, điều dưỡng Vũ thuật lại lời kể của bà Lý.

Cách đó mấy phòng, bệnh nhân nữ người dân tộc Khơ me mắc Covid-19 từ Giang Thành chuyển lên đang mang thai 37 tuần tuổi. "Mọi thông tin về triệu chứng mà bệnh nhân khai đều phải thông qua điều dưỡng Vũ", một đồng nghiệp của anh cho biết.

Trung tâm y tế TP. Hà Tiên hiện đang điều trị cho gần 80 bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 2 và một phần của tầng 3 trong tháp điều trị Covid-19. 30% bệnh nhân được chuyển vào đây là người dân tộc thiểu số sống dọc tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia. Nhờ có điều dưỡng Vũ mà sự giao tiếp giữa người bệnh với nhân viên y tế cũng trở nên dễ dàng hơn.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngoài công việc chuyên môn, anh Vũ thường làm phiên dịch cho những bệnh nhân người Campuchia đến Hà Tiên chữa bệnh.

“Mình là người dân tộc Khơ me, sinh ra và lớn lên tại xã Mỹ Đức, Hà Tiên. Nơi mình sống chủ yếu là đồng bào người Khơ me và người Hoa nên mình biết tiếng Khơ me trước khi biết tiếng Việt”, anh Vũ kể.

Những ngày còn học phổ thông, Vũ là người duy nhất trong xóm tốt nghiệp lớp 12 để theo đuổi ngành Y.

Gia đình anh làm ruộng, các anh chị học hết lớp 9 đã nghỉ học để mưu sinh. Hết lớp 12, nghĩ lại chặng đường đi bộ hơn 10 km mỗi ngày để tìm con chữ mà thấy ngại, vậy nên anh định bụng nghỉ học, nhưng cha anh khuyên con học tiếp. Bởi nếu không học lên thì tương lai của anh chỉ có một sự lựa chọn là tiếp tục công việc của gia đình và luẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói.

Nghe theo lời khuyên của cha, Vũ nghĩ rằng thôi thì học y để chăm sóc cha mẹ sau này. Vậy mà anh cũng đã gắn bó với nghề được 15 năm.

"Khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, mình chỉ lẩm nhẩm cầu mong họ an toàn!"

Gần 12h trưa, một bệnh nhân trong ICU chuyển nặng. Đó là một cụ bà mới chuyển vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 sáng nay. Tiếng bước chân dồn dập, điều dưỡng Vũ và một bác sĩ nữa lao như bay đến giường bệnh cấp cứu. Spo2 của cụ bà tuột xuống 85. Vũ bế bệnh nhân lên cáng. Bên ngoài, xe cứu thương đã đợi sẵn để chở bà lên tuyến trên.

“Ráng lên, ráng lên bà, ráng lên tới Rạch Giá!”

Dõi theo xe cấp cứu, điều dưỡng Vũ nói, lộ rõ tiếng thở, mồ hôi tràn vào mắt, ngưng đọng trên tấm chắn giọt bắn, thấm ướt cả đồ bảo hộ.

Mỗi ngày Trung tâm y tế TP Hà Tiên có 3-4 bệnh nhân mắc Covid-19 phải chuyển tuyến trên. “Bệnh này diễn tiến nhanh lắm, mới đó phổi còn bình thường nhưng 2-3 ngày sau chụp đã thấy mờ hết trơn, trắng xóa luôn”.

Là dân hồi sức, cách đây 2-3 năm anh Vũ cũng tham gia chống dịch sốt xuất huyết nhưng áp lực của dịch Covid-19 đối nhân viên y tế phải gấp 2, gấp 3 lần như vậy.

Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Kiên Giang, nhân lực của Trung tâm y tế TP. Hà Tiên "chia năm xẻ bảy" cho Trung tâm điều trị Mỹ Đức, đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine...

Trung tâm y tế TP. Hà Tiên gánh vác nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân chuyển lên từ Bệnh viện dã chiến Mỹ Đức, huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất nên chưa bao giờ áp lực lại đè nặng lên đội ngũ nhân viên y tế như lúc này.

Trung tâm y tế TP. Hà Tiên hiện có gần 80 bệnh nhân Covid-19 nhưng kíp trực chỉ có 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng. Họ đã không ra trực hơn 1 tháng nay. Thậm chí, có bác sĩ vừa kết thúc tua trực, ra cách ly liền bị gọi trở lại làm nhiệm vụ.

Số bệnh nhân nhập viện và chuyển lên tuyến trên liên tục. Có ngày, bệnh nhân vào 5-6 ca một lúc, chuyển tuyến sáng đêm. “Lúc bùng dịch, có những khi chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang về, nhìn kim đồng hồ mới biết đã 5h sáng ngày hôm sau”.

Chứng kiến bệnh nhân chuyển biến nhanh phải chuyển lên tuyến trên, anh Vũ thú thực “Với một căn bệnh mới, ban đầu mình cũng sợ lây nhiễm nhưng giờ thì quen rồi. Chỉ lo bệnh nhân không qua khỏi trên đường. Miệng lúc nào cũng lẩm nhẩm cầu mong cho họ an toàn”.

20 giờ 30 phút, hôm nay điều dưỡng Vũ ăn cơm tối sớm hơn mọi ngày. Những hôm bệnh nhân vào đông, bữa tối thường bắt đầu lúc 22-23h khi thức ăn đã lạnh ngắt. “Ở đây, nhân viên y tế gần như trực 24/24h, người này mệt thì người khác vào thay, tranh thủ nghỉ được giờ nào thì nghỉ. Cứ nghe tin có bệnh nhân nặng bên dã chiến chuyển vô là anh em báo vào làm, không có giờ giấc”.

"Vợ kêu nghỉ hoài, nhưng mình chọn nghề rồi biết sao giờ!"

Nhà ở trong TP. Hà Tiên, cách Trung tâm y tế không xa nhưng đã 1 tháng nay anh Vũ không về. “Cũng muốn được về nhà, nhớ nhà, nhớ con lắm, nhớ thì gửi zalo nhìn mặt thôi chứ về sao có được”.

Nhìn vào hình 2 cậu con trai trên ảnh đại diện zalo, anh Vũ bấm nút gọi. Hai cậu con trai–một đứa 7 tuổi, một đứa 3 tuổi rối rít hỏi:

“-Ba, bao giờ ba về?

-Mai ba về”!

Anh Vũ đáp lời con nhưng câu nói “xạo” này 2 đứa trẻ nghe mãi đã thành quen.

“Vợ cũng cũng kêu nghỉ việc hoài, nghề gì mà cực quá! Nhưng mình đã chọn nghề này rồi thì biết làm sao giờ, vì dân mình không đi thì ai đi”, Vũ kiên định.