Bà Nguyễn Thị Giang- chủ cửa hàng nước dừa tại quận Hoàng Mai, Hà Nội trung bình mỗi ngày bán được vài chục đến cả trăm quả dừa. Thế nhưng, đợt Hà Nội bùng dịch đầu tháng 3, nhà bà cháy hàng. “Mọi người thấy tốt thì mua về uống, đợt đó không có dừa mà bán” – bà Giang chia sẻ.

Không chỉ uống nước dừa khi nhiễm virus, nhiều người còn uống nước dừa trước và sau khi tiêm vaccine. “Không những uống mà còn uống nhiều, mỗi ngày mua khoảng 5-10 quả, công dụng tốt lắm như tăng đề kháng, đẹp da…”- anh Vũ Văn Xuân ở phố Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết nhu cầu nước dừa của gia đình anh khá lớn.

Và tất nhiên, tác dụng của nước dừa theo mọi người hiểu nó còn rất tốt cho mọi đối tượng, từ người già, trẻ em cho tới phụ nữ mang thai. Nước dừa là thực phẩm tự nhiên nên người dân rất chuộng, trời nóng có thể tạt vào cừa hàng ven đường mua quả dừa để giải khát, khi ốm có thể uống nước dừa để hạ nhiệt, khi tiêm vaccine Covid-19 hoặc đang nhiễm bệnh, mua một lố từ 10 đến vài chục quả để cả nhà uống dần tăng đề kháng…

Có thể thấy, nước dừa phù hợp cho rất nhiều mục đích. Thế nhưng, theo chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nếu uống nước dừa sai cách có thể gây tác hại cho sức khỏe. Các phân tích và tư vấn sau đây của TS.BS Phạm Thúy Hòa - Viện trưởng Viện dinh dưỡng ứng dụng, sẽ giúp các bạn hiểu rõ công dụng và cách sử dụng nước dừa:

Giá trị dinh dưỡng của nước dừa

Theo BS Phạm Thúy Hòa, hiện Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới công bố các thành phần của nước dừa non, còn nước dừa trong quả dừa trưởng thành thì chưa có. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Mỹ thì các giá trị dinh dưỡng trong nước dừa trưởng thành được công bố như sau:

Lượng đường là 2,6g/100gr hoặc 100ml nước dừa. Calorie là 18kcl. Trong nước dừa cũng chứa chất xơ và các vitamin. Đáng chú ý là nước dừa có chứa Natri và Kali, đây là chất điện giải, giúp cơ thể chống lại sự mất nước và bù chất điện giải vô cùng quan trọng.

Ngoài ra có sắt, canxi có 24mgr/100ml nước dừa. Khoáng chất có magie có tác dụng làm giãn cơ (canxi làm căng cơ), chúng ta cần hiểu rõ tác dụng của hai chất này để biết lúc nào có thể sử dụng nước dừa còn lúc nào thì không.

Nước dừa không phù hợp cho tất cả mọi người

Nước dừa không thể sử dụng trong tất cả các trường hợp. Còn các đối tượng sử dụng thì có thể hiểu là khi cơ thể mất nước trầm trọng. Nhất là khi bị tiêu chảy nặng và sốt cao thì có thể uống nước dừa.

Khi cơ thể bị nhiễm trùng cũng có thể sử dụng nước dừa.

Trường hợp người mệt mỏi nhưng không do nhược cơ, nếu nhược cơ có nghĩa cơ thể đã bải hoải rồi thì không nên uống nước dừa.

Không nên sử dụng nước dừa cho những người bị quá yếu vì nước dừa là loại thực phẩm có tính hàn, nên những người hay bị lạnh thì không thể uống được.

Nước dừa có tác dụng như thế nào đối với các mẹ bầu?

Cơ thể các mẹ bầu thường hay bị nóng nên chúng ta có thể sử dụng một phần nước dừa. Nên lưu ý không nên sử dụng hoàn toàn nước dừa để thay nước lọc.

Trong trường hợp sản khoa hay có những chỉ định đối với những thai phụ bị cạn nước ối, giúp tăng cường tạo được nước ối. Tuy nhiên, liều lượng nước dừa trong ngày cũng cần chú ý. Uống nhiều không bao giờ là tốt, chính vì vậy, cần lưu ý liều lượng vừa đủ để tăng hiệu quả.

Uống vừa đúng, khoảng 1-2 cốc làm giãn dây rốn (nhau thai) để các chất dinh dưỡng có thể đi vào cơ thể thai phụ. Trong trường hợp uống nhiều quá thì chúng ta phải hiểu, trong cơ thể đang có sẵn các chất dinh dưỡng vậy khi đưa các chất dinh dưỡng mới vào, làm thế nào để cân bằng với các chất dinh dưỡng có sẵn. Nếu không cẩn thận, các chất mới được đưa vào có thể làm rối loạn. Vì vậy không được uống nhiều khi không được chỉ định.

Mỗi ngày uống từ 1-2 cốc và không uống một lần. Mỗi cốc ở đây tương đương khoảng 200ml.

Nên uống nước dừa trong trường hợp chuẩn bị nghỉ ngơi.

Không nên uống nước dừa khi vừa đi bên ngoài về. Vì khi người đang nóng bừng mà uống nước dừa sẽ lập tức bị đầy hơi, mồ hôi túa ra nhiều, đây gọi là mất cân bằng điện giải trong khi cơ thể chúng ta đang bị cạn kiệt nước.

Trẻ từ 5-12 tuổi tiêm vaccine nên sử dụng nước dừa cho đúng

Không phải tất cả mọi người đều có thể sử dụng nước dừa và không phải lúc nào cũng có thể dùng được. Vì thế nếu em bé bị sốt sau khi tiêm thì cha mẹ có thể cho trẻ uống nước dừa. Lưu ý khi trẻ sốt khoảng 37-38 độ C mới nên sử dụng nước dừa. Còn nếu sốt cao hơn thì cần phải cân nhắc khi uống nước dừa.

Không thể sử dụng nước dừa như một phương pháp dự phòng, tức là uống trước và ngay sau khi tiêm vaccine. Nhiều người còn mua nước dừa đóng chai, điều này không nên vì các giá trị dinh dưỡng chỉ có trong nước dừa tươi. Còn nước dừa đóng chai không đảm bảo có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cũng như còn tiềm ẩm nguy cơ mất an toàn thực phẩm.