Thông tin được ông Hoàng Gia Nam, Dự báo viên Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ngày 13/4. Hà Nội là thành phố duy nhất trên cả nước hôm nay chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại trung bình đến cao (4-7).
Theo ông Nam, dự báo trong ngày 14/4 chỉ số UV ở khu vực Bắc Bộ lên rất cao (mức 9-10), hai ngày tiếp theo giảm dần. Miền Trung Bộ và Nam Bộ, chỉ số UV những ngày tới duy trì cực đại ở mức nguy cơ gây hại rất cao (8-11). Như vậy cả nước đang bước vào đợt nắng nóng cao và trên diện rộng.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động 0-2 được xem là thấp, chỉ số 8-10 thời gian tiếp xúc gây bỏng là 25 phút. Chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ. Tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, da bị bỏng, khô, sạm, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh. Tiếp xúc tia UV lâu dài, tích lũy có thể gây ung thư da.
Chỉ số tia cực tím càng cao càng nguy hiểm cho làn da. Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng Khoa Điều trị Nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tia UV còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím, bao gồm tia A (bước sóng từ 380 đến 315 nm), tia B (bước sóng 315-280 nm), tia C (bước sóng ngắn hơn 280 nm).
Các tia UV tác hại khác nhau đến sức khỏe và môi trường sống của con người. Tia UVA có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UVB có khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển, làm say nắng, tổn thương và đen da. Nhiều người bị bỏng nắng chủ yếu do tia này. Tia UVC năng lượng cao nhất, có thể gây ung thư da nhưng may mắn đã bị tầng ozon chặn lại bớt.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV như hạn chế ra nắng giờ cao điểm. Khi ra nắng nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Đi tắm biển nên chọn loại kem có chỉ số chống nắng từ 50 trở lên và thoa sau mỗi hai tiếng.
Ngoài ra, bảo vệ da bằng biện pháp vật lý như đội mũ nón, đeo kính râm, che ô, mang khẩu trang, găng tay, tất, mặc quần áo sậm màu, giày dép che phủ kín bàn chân. Uống 2-3 lít nước một ngày, ăn hoa quả có nhiều nước như dưa hấu, cam, bưởi... Ăn nhiều rau, củ để tăng lượng vitamin cung cấp cho da, tăng khả năng bảo vệ.
Trẻ em cần được đặc biệt chú ý phòng tránh tác hại của tia UV. Làn da trẻ vốn non nớt và dễ tổn thương, trong khi trẻ thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về da do tác hại từ tia cực tím cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành.
Khi da bị cháy nắng, bỏng nắng, đắp vải lanh lạnh lên vùng da tổn thương và sử dụng sản phẩm làm mát dịu da. Nếu tình trạng bỏng cháy không cải thiện sau vài ngày chăm sóc, đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra.