Cách đây 3 năm, vợ chồng anh Nguyễn S. ở Hà Nội phát hiện cô con gái 3 tuổi có đốm trắng sáng ở mắt. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị u nguyên bào võng mạc. Tham khảo qua nhiều bệnh viện, thậm chí đã nghĩ đến chuyện ra nước ngoài, song cuối cùng vợ chồng anh S. quyết định đưa con đến Bệnh viện Mắt Trung ương để điều trị. Anh S. cho biết, đầu tiên bé được truyền hóa chất để ức chế khối u. May mắn, bé đáp ứng tốt với thuốc, khối u không phát triển và có dấu hiệu canxi hóa. Tiếp theo, bé được điều trị bằng phương pháp lạnh đông mắt kết hợp điều trị laser. Đến nay sau 3 năm, khối u đã bị canxi hóa hoàn toàn, bé bảo tồn được đôi mắt và thị lực khiến vợ chồng anh S vô cùng vui mừng và hạnh phúc.

Theo thống kê, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1.000 lượt bệnh nhân bị ung thư mắt cũng như có các khối u tại mắt đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Tiến sĩ Phạm Thị Minh Châu, Phó trưởng Khoa mắt Trẻ em, phụ trách Đơn vị ung bướu mắt, cho biết, hiện nay, phác đồ, kỹ thuật điều trị ung thư mắt có nhiều bước đột phá so với trước đây giúp bệnh nhân có thể bảo tồn được đôi mắt.

“Như ngày xưa, dù là khối u to hay nhỏ thì đều phải cắt bỏ nhãn cầu để giữ tính mạng cho người bệnh. Nhưng bây giờ, với những phương pháp hiện đại, tùy từng mức độ bệnh nhân mà có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu khối u lớn hơn 2/3 thể tích nhãn cầu thì không có chỉ định bảo tồn. Nhưng với những khối u nhỏ hơn thì có thể kết hợp điều trị hóa chất với điều trị lạnh đông tại chỗ và laser thì khả năng giữ lại được cả nhãn cầu và thậm chí phục hồi được cả thị lực cho bệnh nhân. Bên cạnh đấy còn có kỹ thuật tiêm hóa chất động mạch, tức là đưa hóa chất vào tận động mạch mắt để vào trực tiếp khối u chứ không đi theo con đường tĩnh mạch toàn thân nữa, giúp các bác sĩ có thể điều chỉnh lượng hóa chất một cách thích hợp, do vậy giảm độc tính với toàn thân. Đó là những bước phát triển mới trong điều trị các khối u ác tính ở mắt, đặc biệt là ung thư nguyên bào võng mạc” – BS Phạm Thị Minh Châu thông tin.

Trong trường hợp bệnh nhân đến muộn, phải múc bỏ nhãn cầu, Bệnh viện Mắt TW có thể tạo hình thẩm mỹ, làm mắt giả giúp bệnh nhân tự tin hơn trong giao tiếp.

Cùng với việc áp dụng những kỹ thuật mới, hiện đại, một thuận lợi nữa trong điều trị ung thư mắt là mới đây, tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã thành lập đơn vị Ung bướu mắt đầu tiên trong cả nước. Tiến sĩ Phạm Thị Minh Châu, cho biết, ung bướu mắt là chuyên ngành sâu của nhãn khoa liên quan đến chẩn đoán và điều trị tất cả các khối u tại mắt. Trước đây, trên toàn quốc chưa có trung tâm về các khối u mắt nên không có số liệu thống kê về các trường họp mắc bệnh; các bác sĩ có điều trị ung thư mắt nhưng không mang tính chuyên biệt nên không thể mang lại hiệu quả cao. Việc thành lập đơn vị ung bướu mắt là nền móng cho việc phát triển, nâng cao, cập nhật các kỹ thuật, các phương pháp mới điều trị khối u của ngành nhãn khoa Việt Nam.

Bác sĩ Phạm Thị Minh Châu cũng cho biết, một số bệnh ung thư mắt như u nguyên bào võng mạc, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỉ lệ khỏi bệnh rất cao, lên tới 90-95% và có thể giữ lại nhãn cầu, bảo tồn thị lực. U nguyên bào võng mạc là bệnh ung thư thường gặp ở trẻ nhỏ (dươi 6 tuổi). Ở giai đoạn sớm, bệnh không có biểu hiện đặc thù, nhưng khi xuất hiện dấu hiệu lác mắt (lòng đen không ở giữa), hoặc xuất hiện đốm trắng ở lòng đen, còn gọi ánh đồng tử trắng (dân gian còn gọi là mắt mèo), thì lúc này nguy cơ khối u đã to. Do đó, các bậc cha mẹ nên chú ý quan sát, nếu thấy mắt trẻ có đốm trắng sáng hoặc bị lác, lệch... thì nên đưa trẻ đi khám ngay để có hi vọng giữ lại ánh sáng cho trẻ.