Là địa bàn tập trung đông dân cư với khoảng trên 13 triệu người, thành phố Hồ Chí Minh là thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm rất lớn, trung bình mỗi ngày khoảng 10 nghìn tấn lương thực, thực phẩm. Đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có thể tăng từ 20 đến 30% so với ngày thường. Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm, ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc đảm bảo an toàn khi mua và sử dụng thực phẩm. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã dành thời gian trao đổi với phóng viên VOV2 về nội dung này:

Phóng viên: Thưa PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, qua kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP ở TP. Hồ Chí Minh thời gian qua, bà đánh giá thế nào về ý thức chấp hành đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn?

Qua công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, chúng tôi nhận thấy những lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm trước đây rất thường gặp như là hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, quy trình sắp xếp thực phẩm không hợp lý… thì năm nay nay tỉ lệ xử phạt các lỗi này đã giảm đi rất nhiều. Chứng tỏ là tình trạng buôn bán thực phẩm không phép đã được cải thiện. Bây giờ mọi người đã nhận thức được, kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép, có chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm thì mới được kinh doanh. Thứ hai nữa là xuất xứ thực phẩm cũng được đảm bảo, công tác truy xuất nguồn gốc cũng càng ngày càng được tăng cường.

Phóng viên: Như vậy, liệu đã có thể yên tâm về tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và đầu năm mới, thưa bà?

Còn một điều tôi rất băn khoăn là việc phát hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như là sử dụng hóa chất cấm trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm thì chúng tôi phát hiện được còn quá ít trong khi dư luận vẫn râm ran đồn chỗ này chỗ kia vi phạm. Thế nhưng chúng ta chưa nắm được thông tin cụ thể để có thể ập vào bắt quả tang. Tuy nhiên, phải nói rằng đây cũng là một việc khó. Bởi vì muốn bắt được quả tang, chúng ta lập giống như một chuyên án, tức là phải có thông tin, phải có người tố cáo, phải có những manh mối. Hoặc là chúng tôi đi ngược từ kết quả đánh giá nguy cơ và thấy là chỗ nào liên tục vi phạm thì chúng tôi sẽ khoanh vùng và lúc đó sẽ đi thanh tra, kiểm tra đột xuất để bắt quả tang. Cho nên là đấy là điều mà chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn nữa.

Bên cạnh đó, thời gian qua, chúng tôi cũng phát hiện được một số vụ việc như là những cơ sở, kho bãi mà người ta tập kết thịt heo hoặc là những phủ tạng động vật không rõ nguồn gốc, có biểu hiện kém chất lượng, bốc mùi…thì chúng tôi tịch thu, tiêu hủy và xử phạt ngay tại chỗ. Tuy nhiên, mức độ, quy mô của các vụ việc như vậy thì ở mức nhỏ thôi, không lớn như mọi năm, số lượng thực phẩm cũng không lớn. Nếu suy nghĩ một cách tích cực thì chúng ta nghĩ là những cái vi phạm về an toàn thực phẩm đã giảm. Nhưng nếu đề cao cảnh giác thì lại thấy, hay là tay nghề thanh tra của chúng ta hơi chậm rồi thành ra là chưa phát hiện được nhiều những vụ việc vi phạm? Trong khi đó, vào dịp Tết như thế này, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân trên địa bàn hết sức lớn và các thực phẩm cũng tập trung để tung ra vào dịp Tết. Cho nên chúng tôi đánh giá là nguy cơ vẫn rất cao chứ không thể chủ quan với những thành quả bước đầu mà chúng tôi đã thu thập được.

Phóng viên: Là người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và hiện chịu trách nhiệm chính về vấn đề này tại thành phố lớn nhất cả nước, trong dịp Tết, điều bà lo lắng nhất là gì?

Về tình hình ngộ độc thực phẩm thì trong năm qua, thành phố Hồ Chí Minh tương đối yên tĩnh, tức là không có những vụ ngộ độc thực phẩm lớn chỉ có những vụ việc lẻ tẻ. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là nếu như chúng ta mất cảnh giác thì ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cái này là nỗi lo triền miên, không phải một mình tôi lo mà phải nói là các ngành, các cấp lãnh đạo cũng như là toàn thể anh em mà hoạt động trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm thì lúc nào cũng lo ngại. Bởi vì thực tế, bản thân thành phố Hồ Chí Minh không là một địa phương có thể chủ động về nguồn thực phẩm. Mà chúng ta đang sống trong một xã hội, một thời đại mà khoa học kỹ thuật có những bước tiến vượt bậc. Nhưng mà cũng chính vì thế mà có nhiều người lợi dụng việc đó trong việc lạm dụng các hóa chất độc hại để đưa vào thực phẩm.

Chúng tôi phân biệt, trong mất an toàn vệ sinh thực phẩm có 2 loại:

Thứ nhất là điều mà ai cũng thấy, đó là mất an toàn trong khâu chế biến, bảo quản và sau đó thực phẩm bị ôi thiu, nấm mốc, nhiễm vi khuẩn thì chúng ta dễ bị những ngộ độc, bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng đi cấp cứu hàng loạt…chẳng hạn như vậy. Đó là ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi sinh vật và chỉ là biểu hiện bề nổi của tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm thôi. Nguy cơ này có thể phòng ngừa được bằng cách cả hệ thống chúng ta đang hết sức quyết liệt trong việc là rà soát, kiểm tra các khâu chuẩn bị thực phẩm trong dịp Tết, các bếp ăn tập thể, căng- tin, các nhà hàng…Những nơi phục vụ ăn uống đông người thì phải bảo đảm về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Nhưng còn một loại ngộ độc thực phẩm thứ hai mà chúng tôi cực kỳ lo ngại. Đó là ngộ độc thực phẩm do hóa chất độc hại, ví dụ như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, thậm chí có những chất mà mình chưa biết. Nó có thể là đấy tích tụ trong cơ thể lâu dài và vài chục năm sau đó mới biểu hiện ra bệnh tật. Chúng tôi cũng tăng cường đánh giá nguy cơ, lấy mẫu thực phẩm trên thị trường kiểm nghiệm xem là có chứa chất độc hại hay không. Hiện nay thì tôi có thể trả lời là theo số liệu nói chung để đánh giá nguy cơ thì chúng ta vẫn ở ngưỡng an toàn. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chủ quan. Đối với thực phẩm, đôi khi chúng ta cứ hay lo lắng chuyện nông sản thực phẩm tươi sống như rau củ quả thì có bị nhiễm thuốc trừ sâu hay không rồi thịt, thủy sản hải sản có nhiễm hóa chất này, hóa chất trước kia hay không. Nhưng mà chúng ta quên đi là những mặt hàng thực phẩm bao gói sẵn, những sản phẩm có hạn dùng tức là có thể để lâu được, nếu như lô sản xuất đó mà chứa chất chất độc hại hay là có vấn đề gì thì hậu quả của nó cũng hết sức nghiêm trọng. Cho nên đối với chúng tôi nỗi lo lắng là thường trực.

Phóng viên: Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố, dịp Tết Nguyên đán này, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được tăng cường như thế nào, thưa PGS –TS Phạm Khánh Phong Lan?

Để bảo đảm an toàn thực phẩm thì công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành quanh năm. Riêng đợt cao điểm như dịp Tết lại phải thực hiện gấp nhiều lần và chúng tôi tiến hành cả trước trong và sau Tết Nguyên Đán Ất Tỵ. Thời điểm trước Tết khoảng 2 tháng, chúng tôi đã bắt đầu, và không phải chỉ có thanh tra, kiểm tra mà thực hiện 3 nhiệm vụ chính:

Thứ nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Thứ hai là chúng ta phải làm sao để giảm thiểu tới mức tối thiểu và tốt nhất là không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính. Bởi vì Tết là mùa lễ hội rồi mọi người đi chúc Tết. Chúc Tết thì bao giờ cũng kèm ăn uống. Điều mà chúng tôi lo lắng nhất chính là chuyện uống rượu, nhất là rượu kém chất lượng, rượu pha cồn công nghiệp thì có thể dẫn tới cái chết hết sức cấp tính, hết sức đau buồn. Khi đi kiểm tra, nếu như gặp rượu không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ thì chúng tôi tịch thu, tiêu hủy và xử phạt. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng. Nếu như người tiêu dùng cứ uống một cách thoải mái, nhất là rượu không rõ nguồn gốc thì nguy cơ rất kinh khủng. Cho nên chúng tôi cũng rất mong là người dân hãy tự bảo vệ mình, chỉ uống rượu có nguồn gốc, xuất xứ, có nhãn mác, có tem kiểm định rõ ràng và không uống rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Và đã uống rượu bia thì không lái xe. Trở lại vấn đề thì nhiệm vụ của chúng tôi trong dịp Tết đó chính là phòng ngừa và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm kịp thời.

Thứ ba là chúng tôi tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng như là cho doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh về an toàn thực phẩm. Nếu chỉ cứ nói là lo ngại thực phẩm không an toàn nhưng mà tới chừng đi mua thì lại mua hàng trôi nổi, mua ở những cửa hàng không có giấy phép kinh doanh thực phẩm, mua hàng mà không quan tâm tới xuất xứ nguồn gốc thì như vậy mình cũng đã bỏ trống, không có tự bảo vệ bản thân rồi. Rồi trong dịp này, chúng ta lại mua quá nhiều thực phẩm sau đấy bảo quản không đúng cách hoặc quá hạn mà lại vẫn sử dụng thì nó sẽ chứa rất nhiều nguy cơ, có thể gây rối loạn tiêu hóa ngay lập tức, hay mua nhiều quá, ăn quá nhiều trong dịp Tết thì gây béo phì…Tất cả những cái đó đều không tốt cho sức khỏe. Cho nên, tôi rất mong là ý thức về đảm bảo an toàn thực phẩm của mỗi người ngày một nâng cao để ăn Tết thực sự đem lại niềm vui và chúng ta ăn Tết một cách lành mạnh.

Đấy là 3 nhiệm vụ chính chúng tôi đang hết sức tập trung để tiến hành triển khai trong dịp Tết Ất Tỵ này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan!