Trong số này còn có nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề tâm lý, cần phải can thiệp. Ngành y tế TP.HCM xem đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Việt Nam và thế giới đang nghiên cứu những di chứng hậu COVID-19. Có những di chứng đã được ghi nhận, dù đã khỏi bệnh khá lâu nhưng khứu giác, vị giác không trở lại bình thường. Có những trường hợp nặng hơn là tổn thương phổi, nội tạng.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), thống kê trong 40 ngày, từ đầu tháng 12/2021 đến 10/1/2022, có 1.021 bệnh nhân hậu COVID-19 đến thăm khám ở tất cả chuyên khoa. Đa phần vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần.

Trong đó, trên 510 bệnh nhân (50%) vì gặp vấn đề vể hô hấp, 182 bệnh nhân gặp vấn đề thần kinh, 134 trường hợp tim mạch, 80 trường hợp về nội tiết, 66 trường hợp về tiêu hoá, 49 trường hợp cơ xương khớp.

Thực tế, hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng và lớn tuổi, mà còn ghi nhận ở người trẻ từ 30-40 tuổi, mắc COVID-19 nhẹ. Thậm chí có trường hợp F0 không nhập viện cũng gặp triệu chứng dai dẳng.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM xây dựng chiến lược tiếp cận và can thiệp với bệnh nhân hậu COVID-19. Trong đó, xác định mô hình bệnh tật, triệu chứng phổ biến người bệnh gặp phải. Đồng thời, phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng.

Cụ thể, ở tầng thấp nhất là tuyền y tế cơ sở, có chức năng quản lý chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 mức độ nhẹ, can thiệp các phương pháp không dùng thuốc. Ở tầng này, bệnh nhân đông nhất.

Ở tầng 2 - Bệnh viện tuyến quận huyện thực hiện khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng; quản lý và chăm sóc điều trị bằng thuốc với bệnh nhân hậu Covid-19 mức độ trung bình.

Ở tầng 3 - Bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối: chăm sóc với nhóm người bệnh hậu COVID-19 mức độ nặng. Các bệnh viện này sẽ khám và điều trị chuyên khoa sâu như hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…