Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, cách đây 3-4 tuần, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) của bệnh viện không có bệnh nhi tay chân miệng nặng nào nằm, còn khoa Nhiễm - Thần kinh chỉ lác đác vài ca.

Nhưng khoảng 2 tuần gần đây, số ca tay chân miệng liên tục tăng cao. Đặc biệt trong tuần gần nhất, tất cả giường trong phòng Cấp cứu khoa Nhiễm đều phải cho trẻ mắc tay chân miệng nằm đôi.

"Hôm qua vừa điều trị xong một đợt là tối lại có đợt bệnh nhi tay chân miệng mới lấp đầy vào các giường. Hiện tại, có hơn 30 ca bệnh độ 2A nằm phòng ngoài, 4 trường hợp nặng nằm hồi sức. Tỷ lệ ca nặng so với tổng số ca nhiều hơn những năm trước" - bác sĩ Khanh dẫn chứng.

Trong nhóm bệnh nhi tay chân miệng nằm hồi sức, nhiều ca phải thở máy, lọc máu và theo dõi sát. Thậm chí sắp tới, dự kiến có những trẻ phải chạy ECMO nếu tình trạng không cải thiện.

Về nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nặng gia tăng, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định, năm nay virus EV71 đã tái xuất hiện. Đây là loại virus có khả năng gây dịch và làm tình trạng bệnh tay chân miệng biến chứng nặng.

Một lý do khác là việc người dân cho trẻ điều trị tay chân miệng tại nhà nhưng không nắm vững kiến thức, không biết lúc nào bệnh nặng cần đưa vào bệnh viện. Kể cả bác sĩ tuyến dưới nếu không được cập nhật liên tục cũng dễ bỏ qua các dấu hiệu trẻ trở nặng để kịp thời chuyển viện.

Đáng chú ý, còn có tình trạng "nợ miễn dịch". Cụ thể, sau thời gian dài cách ly phòng chống dịch Covid-19, người dân ít tiếp xúc nhiều với các tác nhân gây bệnh, nên khi EV71 bất ngờ ập đến khiến nhiều trẻ không có miễn dịch và dễ dàng mắc bệnh.

"Đã có hiện tượng hai trẻ học cùng lớp đều bị tay chân miệng nặng. Đây là điều rất đáng lo, nên việc phòng ngừa là rất quan trọng trong thời điểm hiện tại" - bác sĩ Khanh cảnh báo.

Để đối phó với tình hình phức tạp trên, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã khởi động lại Ban phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, tăng cường huấn luyện điều trị cho các nhân viên y tế, đồng thời sử dụng các cách thức theo dõi bệnh đã có trong mùa dịch Covid-19.

Ngoài ra, bệnh viện đang có dự định mở rộng thêm khoa Nhiễm và khu vực Cấp cứu để chuyển bệnh nhân ra khi có tình trạng quá tải. Khi trẻ có tình trạng chuyển nặng, bệnh viện sẽ chủ động đưa sớm đến khoa Hồi sức để can thiệp, tránh để diễn tiến xấu.

Tuy nhiên, có một khó khăn mà Bệnh viện Nhi đồng 1 đang gặp phải, là nguy cơ thiếu thuốc điều trị nếu dịch bệnh kéo dài. Cụ thể, bệnh viện đã hết thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch từ lâu. Dự kiến, thuốc này sẽ có trong tháng 7, do Việt Nam tự sản xuất.

Nếu không được dùng Phenobarbital, trẻ có nguy cơ biến chứng nặng, thở máy kéo dài, thậm chí lâm vào sốc. Nếu thay thế bằng thuốc uống thì hiệu quả không nhiều và tiềm ẩn việc xảy ra phản ứng phụ.

Với thuốc Immunoglobulin, bác sĩ Khanh cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn còn, nhưng sẽ sớm hết với tình trạng ca bệnh gia tăng. Dự kiến đến tháng 8, đơn vị mới có thể bổ sung loại thuốc này.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm khuyến cáo, người dân cần chú ý cập nhật các kiến thức xử trí, các dấu hiệu cho thấy con em mắc tay chân miệng. Với căn bệnh này, chỉ cần chậm nột giờ đồng hồ là tình trạng và việc điều trị đã thay đổi.