Tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng, bảo vệ trẻ trước Covid-19

Kể từ khi có quyết định tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cho đến nay, dư luận xã hội có rất nhiều băn khoăn. Nhất là trong thời gian qua, với sự bùng phát của dịch bệnh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, rất nhiều trẻ em, trong đó có những trẻ dưới 12 tuổi cũng đã nhiễm SARS-CoV-2 nên nhiều người cho rằng, trẻ đã mắc bệnh thì không cần tiêm vaccine Covid-19 nữa. Bên cạnh đó, vaccine không có hiệu quả cao trước các biến thể của Omicron nên lại càng không cần thiết phải tiêm cho trẻ ở lứa tuổi này. Mới đây, Bộ Y tế cho biết qua khảo sát có 60-80% người dân đồng ý tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi, khoảng 30% còn do dự.

Chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh, tuy nhiên, TS-BS Nguyễn Công Luật – Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, thực tế, có thể vaccine không bảo vệ hoàn toàn trước nguy cơ mắc Covid-19 nhưng giúp làm giảm các biến chứng nặng phải nhập viện điều trị và tử vong. Nhìn chung trẻ dưới 12 tuổi nhiễm SARS-CoV-2 thường nhẹ và tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp bị biến chứng nặng, phải điều trị tích cực tại bệnh viện, thậm chí tử vong. Vì vậy. tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng giúp bảo vệ trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung trước Covid-19, nhất là trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và virus biến đổi liên tục.

Triển khai tiêm vaccine cho trẻ như thế nào?

TS-BS Nguyễn Công Luật thông tin, nhóm đầu tiên được tiêm là trẻ 11 tuổi (học lớp 6), tiếp theo là nhóm trẻ học tiểu học và cuối cùng là các trẻ 5 tuổi.

Việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được thực hiện một cách thận trọng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ.

Yêu cầu này được đặt ra cao hơn so với thông thường và nhiều biện pháp đã được triển khai, chuẩn bị chu đáo từ việc lập kế hoạch, tổ chức tiêm chủng, xây dựng tài liệu, tập huấn cho cán bộ y tế tại các địa phương, giám sát và sẵn sàng xử trí các phản ứng xảy ra sau tiêm chủng (nếu có).

Về vaccine sẽ được sử dụng để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, TS Nguyễn Công Luật cho biết, có hai loại được sử dụng:

- Vaccine Comirnaty của hãng Pfrizer – BioNTech dùng cho trẻ từ 5-12 tuổi với liều lượng là 0,2ml/1 mũi tiêm

- Vaccine Moderna sử dụng cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi với liều lượng 0,25ml/1 mũi tiêm.

Lịch tiêm chủng cho trẻ gồm 2 liều, cách nhau 4 tuần.

Hiện nay trên thế giới đã có hơn 60 nước cho phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó có nhiều quốc gia tại châu Mỹ, châu Âu và một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Philippines, Malaixia, Campuchia…

Vaccine đã được chứng minh là an toàn và có hiệu quả. Các phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng giống như các phản ứng ghi nhận ở đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Để đảm bảo an toàn và việc tiêm chủng cho trẻ diễn ra thuận lợi TS Nguyễn Công Luật lưu ý đội ngũ cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng không nên chủ quan, lơ là vid nhóm trẻ này có nhiều điểm khác biệt so với các nhóm đã tiêm trước đó. Việc sử dụng vaccine Pfizer và vaccine Moderna cũng khác nhau. Do vậy, cán bộ y tế cơ sở nên nắm vững chuyên môn để tuyên truyền, tư vẫn cho các bậc cha mẹ hiểu, ủng hộ và tích cực tham gia tiêm chủng.

Cha mẹ cần làm gì trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng Covid-19?

TS – BS Nguyễn Công Luật cho rằng, cha mẹ có vai trò rất quan trọng góp phần vào theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm.

Trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi lần này, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xây dựng các tài liệu chuyên môn để cán bộ y tế nắm vững và tư vấn cho các bậc phụ huynh; hướng dẫn các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ về cách theo dõi, phát hiện phản ứng sau tiêm chủng.

Các bậc cha mẹ nên lưu ý:

- Trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cha mẹ cần biết những thông tin cơ bản như địa điểm tiêm vaccine, thời gian, loại vaccine tiêm phòng, tình trạng sức khỏe của con em mình, làm công tác tư tưởng để trẻ yên tâm thoải mái, cho trẻ ăn uống đầy đủ.

- Trong buổi tiêm chủng: Cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ với cán bộ y tế tại nơi tiêm chủng như: tuân theo sự điều hành của điểm tiêm; khai báo đầy đủ về tình trạng sức khỏe của trẻ; trao đổi với cán bộ y tế về những nội dung còn băn khoăn, lo lắng; sau khi tiêm theo dõi trẻ 30 phút tại điểm tiêm.

- Sau khi tiêm chủng: Cha mẹ theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, đặc biệt là trong 7 ngày đầu. Cho trẻ ăn uống đủ chất, sinh hoạt bình thường, hạn chế hoạt động gắng sức, vận động nặng. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh trẻ 2/24h trong vòng 3 ngày sau tiêm chủng. Trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng thì có thể xử trí tại nhà theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trường hợp có dấu hiệu phản ứng nặng thì khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở cấp cứu gần nhất.