Tháng 5/2019, Chính phủ có Nghị quyết số 33 tạo hành lang pháp lý cho một số bệnh viện thí điểm “cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện”. Tuy nhiên 2 bệnh viện được “chọn mặt gửi vàng” là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau 2 năm thí điểm đều muốn rút lui. Chúng ta nhìn ra được vấn đề gì đằng sau sự thoái lui này trong cơ chế vận hành các loại hình chăm sóc y tế hiện nay?

PV VOV2 đã phỏng vấn bà Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Là bệnh viện đầu ngành, nhưng thiết bị phục vụ chẩn đoán hình ảnh thiếu “trầm trọng”. Thiết bị chẩn đoán trong y học hạt nhân và u bướu từ máy Pet CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu: chỉ là con số 0.

Là “tuyến cuối”, nhưng những máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ phẫu thuật như robot, thiết bị vi phẫu... thì đang lưu kho 2 năm nay. Máy chụp 250 dãy, từng “hiện đại nhất Đông Nam Á” nhưng giờ... đắp chiếu.

Bạch Mai cũng đang chảy máu chất xám trầm trọng. Năm 2021: hơn 200 cán bộ viên chức xin thôi việc; 9 tháng đầu năm 2022, thêm 105 người nữa.

PV: Kiệt quệ và bế tắc là tình cảnh của Bệnh viện Bạch Mai khi xin rút khỏi cơ chế tự chủ toàn diện. Tiếp nối Bạch Mai, Bệnh viện K xin dừng tự chủ toàn diện. Thưa bà, chúng ta nhìn thấy vấn đề gì qua sự không thành công trong thí điểm tự chủ ở 2 bệnh viện này?

-Bà Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi, chúng ta đã sai định hướng về tự chủ. Hiện trạng của bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K có thể cũng là tương lai gần của của một số bệnh viện đang thực hiện tự chủ toàn diện hoặc tự chủ một phần.

-PV: Câu chuyện đổ vỡ của mô hình tự chủ không chỉ ở 1-2 bệnh viện mà chúng ta đang thực hiện thí điểm. Một số bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam cũng phản ánh tình trạng lay lắt khi thực hiện tự chủ một phần. Theo bà đâu là căn nguyên chính: khó khăn do điều kiện dịch bệnh, cách quản lý vận hành của ngành y tế?

-Bà Phạm Khánh Phong Lan: Vấn đề dịch bệnh chỉ là một yếu tố cộng hưởng. Ở đây cần xem xét lại cách hiểu về tự chủ hệ thống bệnh viện.

Tự chủ bệnh viện là chính sách “cởi trói” y tế, bệnh viện sẽ được tự quyết mọi hoạt động từ chuyên môn đến nhân sự, tài chính, thay cho cơ chế "bao cấp" – nhà nước quyết thay tất cả mọi việc, không phát huy được nội lực của bệnh viện. Chính vì vậy chúng ta mới đề xuất cơ chế tự chủ. Tuy nhiên các thông tư, hướng dẫn quy định khi thực hiện “tự chủ” lại lệch về hướng xã hội hóa.

Hiện nay chúng ta đang hiểu đơn giản tự chủ là nhà nước cắt hết toàn bộ nguồn ngân sách, các bệnh viện phải tự lo nguồn thu. Nếu làm như vậy, trong ngành giáo dục khi tự chủ sẽ "đổ vào đầu học sinh, còn y tế đổ vào đầu người bệnh", chính là nguồn tiền thu được từ khám chữa bệnh dịch vụ. Với các bệnh viện tự chủ toàn phần sẽ tự lo mua sắm trang thiết bị, nhưng với các bệnh viện tự chủ 1 phần thì nhà nước vẫn lo phần này nhưng rất chậm. Để thông qua một dự án, mua được một cái máy, đến khi máy về đến nơi có khi công nghệ đó đã lạc hậu vì quá lâu.

Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi nhất khi tự chủ bệnh viện là tự quyết định nhân sự, nguồn lực nhưng thực tế cũng không được quyền tự quyết.

Đến bây giờ thử hỏi tất cả những bệnh viện tự chủ toàn phần hoặc một phần: bệnh viện nào được tự chủ về 2 vấn đề hết sức quan trọng, cực kỳ quan trọng, đó là vấn đề nhân lực và tài chính. Tôi xin nói không bệnh viện nào được tự chủ cả và cũng chẳng gỡ cái gì trong vấn đề này. Cho nên chuyện Bạch Mai xin rút tự chủ toàn phần là điều dễ hiểu và đây cũng là viễn cảnh tương tự của các bệnh viện khác.

Dù bệnh viện tự chủ thế nào đi nữa thì vẫn phải là bệnh viện công lập của dân, cần được sự hỗ trợ chung tay. Nhất là sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ Bộ Y tế và thậm chí từ các doanh nghiệp, từ các nhà hảo tâm để xây dựng bệnh viện đầy đủ điều kiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực tốt để phục vụ chăm sóc người dân, đảm bảo an sinh xã hội..

-PV: Trả lời báo chí, cá nhân bà cho rằng, chúng ta cho các đơn vị cơ chế “tự chủ toàn diện”, nhưng không cho quyền làm chủ. Chính điều này đã dẫn đến những được – mất, đúng – sai. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: tự chủ đến mức cao nhất, nhiều nhất là điều không thể với hệ thống y tế công hiện nay. Quan điểm của bà về vấn đề này?

-Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng mà chúng ta cũng phải trải qua một quá trình rất là vất vả mà tới giờ cũng vẫn chưa có chấm dứt. Đó chính là quá trình tư nhân hóa, cổ phần hóa những doanh nghiệp có vốn Nhà nước và sau đó “thảy” ra ngoài thì phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân. Đối với cái chuyện tự chủ của bệnh viện, dù chúng ta có dùng mỹ từ cao đẹp đến cỡ nào cũng thấp thoáng bóng dáng đâu đó việc cổ phần hóa bệnh viện.

Nhưng theo tôi, chúng ta đừng mong chuyện nhà nước sẽ bớt đầu tư vào y tế, mà còn phải tăng nữa kia. Bởi kinh tế càng tăng bao nhiêu, đòi hỏi của người dân, nhu cầu của người dân càng lớn bấy nhiêu và chúng ta càng phải đầu tư nhiều bấy nhiêu. Nghĩa là nguồn tài chính cho các bệnh viện công lập, Nhà nước vẫn phải đảm bảo nhưng bên cạnh đó phải tháo gỡ được cơ chế để bệnh viện phát huy được nội lực của mình.

Chúng tôi cần Nhà nước đầu tư 3-5 năm. Khi chúng tôi có đủ máy móc, có được tích lũy rồi thì lúc đó chúng tôi xin tự chủ theo nhóm 1 của Nghị định 60. Như thế sẽ đỡ vất vả cho bệnh viện và cũng đảm bảm được an sinh xã hội tốt hơn.

-PV: Hàng loạt các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách và hướng dẫn thì đã được đề cập. Tuy nhiên, theo bà giải pháp tháo gỡ và mở rộng mô hình tự chủ bệnh viện công thì quan trọng nhất vẫn là gì?

-Bà Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi cần sớm có tổng kết việc tự chủ bệnh viện để đưa ra các giải pháp. Nhưng bằng bất cứ giá nào, với một đất nước dù là kinh tế thị trường nhưng chúng ta vẫn phải giữ định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là làm sao để lo được cho những người yếu thế. Chúng ta sẽ cùng nhau góp sức để có được một hệ thống y tế công lập tuân thủ theo tôn chỉ mục đích là chăm sóc sức khỏe người dân, hoàn thành nhiệm vụ an sinh xã hội.

Xin cảm ơn bà Phạm Khánh Phong Lan!