Dự kiến tuần sau, hơn 8 triệu trẻ em Việt Nam từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 – đây là thông tin được Bộ Y tế cung cấp trong buổi họp báo tổ chức sáng 13/4 tại Hà Nội

Tại buổi họp báo, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, nước ta đã phê duyệt 2 loại vaccine Moderna và Pfizer để tiêm cho nhóm trẻ này. Vaccine Moderna với liều lượng 0,25ml/mũi dùng cho trẻ từ 6-12 tuổi, vaccine Pfizer với liều lượng 0,2ml/mũi dùng cho trẻ 5-12 tuổi. Mỗi trẻ sẽ được tiêm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 4 tuần.

Hiện, lô vaccine Moderna với gần 1 triệu liều do Chính phủ Úc viện trợ đã về Việt Nam. Dự kiến, ngày mai (14/4), Quảng Ninh sẽ là tỉnh đầu tiên triển khai, sau đó sẽ mở rộng quy mô toàn quốc. Để đảm bảo an toàn, không bị nhầm lẫn giữa các mũi tiêm, việc tiêm chủng sẽ được tổ chức theo hình thức cuốn chiếu.

Trẻ được tiêm mũi vaccine nào đầu tiên thì ở mũi thứ 2 sẽ tiêm loại vaccine đó, không tiêm trộn với bất kỳ loại vaccine nào khác. Trước hết, sẽ tiêm cho nhóm trẻ khối lớp 6 trước, sau đó hạ dần độ tuổi và cuối cùng là trẻ mẫu giáo. Việc triển khai đồng đều trên quy mô toàn quốc để đảm bảo sớm đạt độ bao phủ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi theo chỉ đạo của Bộ” – PBS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.

Theo khảo sát của 63 tỉnh, thành phố, nước ta có hơn 11 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi. Nhưng theo GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số này đã có khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19, do vậy sẽ có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 nằm trong danh sách dự kiến tiêm đợt đầu. Những trẻ sau khi khỏi Covid-19 được 3 tháng sẽ được tiêm ở đợt tiếp theo.

Về kế hoạch đến hết quý 2/2022 sẽ tiêm đủ cho tất cả trẻ đủ điều kiện tiêm chủng cả 2 mũi, sau đó đối với những trường hợp đã bị trì hoãn tiêm thì tiếp tục tiêm đảm bảo mỗi trẻ đều được tiếp cận vaccine”.

Trả lời về những lo ngại về ảnh hưởng của vaccine Covid-19 đối với sức khỏe của trẻ, GS.TS Phan Trọng Lân thông tin: Những loại vaccine này đều đã trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng và tổ chức y tế giới phê duyệt nghiêm ngặt. Đến nay đã được tiêm ở hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và các nước Châu Âu, kết quả cho thấy an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho trẻ em.

Các nguồn vaccine của chúng ta đã được sử dụng rộng rãi từ người lớn trở xuống hàng tỷ liều và đặc biệt đối với trẻ từ 5-11 tuổi cũng đã được các tổ chức uy tín trên thế giới phê duyệt cũng như các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng. Một điểm nữa là đối với những người đã nhiễm Covid-19 thì vẫn tiếp tục tiêm chủng vì đã có nghiên cứu người đã mắc Covid-19 và tiêm chủng vaccine thì sẽ sinh kháng thể cao hơn nhiều so với người đã mắc Covid-19 mà chưa tiêm vaccine” – GS.TS Phan Trọng Lưu lưu ý.

Từ kinh nghiệm thực hiện nhiều đợt tiêm chủng thành công, nhất là đối với trẻ từ 12-17 tuổi, ngành y tế và các ngành liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất và nhân lực để bảo đảm an toàn khi triển khai tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Tuy nhiên, để hạn chế những phản ứng sau tiêm, GS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, trước khi đưa con đi tiêm, cha mẹ theo dõi sức khỏe của trẻ, nếu trẻ có biểu hiện ốm, mệt mỏi, viêm đường hô hấp hay bệnh lý khác… thì có thể hoãn để chờ tiêm đợt sau. Đến điểm tiêm, cha mẹ nên cung cấp thông tin của con mình như bệnh nền, có dị ứng đối với chất gì không để cán bộ y tế tư vấn đầy đủ, có thể sẽ phải chuyển trẻ đến cơ sở y tế như bệnh viện để tiêm đối với trẻ mắc bệnh tim mạch hay bệnh lý nền khác.

TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Nhiễm khuẩn, BV Nhi TW khuyến cáo, có 3 thời điểm quan trọng mà cha mẹ cần theo dõi là sau 30 phút, 24 giờ và 48 giờ đầu sau khi tiêm. Bình thường những triệu chứng của trẻ sẽ giảm dần từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi, nhưng nếu các triệu chứng tăng dần thì nên liên hệ với cơ sở y tế - nơi trẻ tiêm chủng để được tư vấn kịp thời.

Các phản ứng thường gặp ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi tương tự như nhóm trẻ từ 12-17 tuổi là: Sốt, đau đầu, tiêu chảy, đau tại vị trí tiêm (những phản ứng này xuất hiện ở liều thứ hai nhiều hơn liều thứ nhất với tỷ lệ hơn 10% đến 50%); biểu hiện nôn và sưng tấy ở chỗ tiêm chiếm tỷ lệ dưới 10%; tỷ lệ ít hơn nữa dưới 1% có phản ứng nổi hạch, phát ban, ngứa, mề đay, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đau dương vật đối với bé trai; đối với phản ứng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tiêm rất hiếm gặp (10.000 trẻ mới có 1 trẻ bị).