Sáng 18/1, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch hội hiến mô và bộ phận cơ thể người Việt Nam đã trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức – đơn vị đứng đầu cả nước trong lĩnh vực ghép tạng. Đây là dấu mốc quan trọng để thúc đẩy công tác vận động, để có nhiều hơn nữa nguồn tạng từ người cho chết não, mang đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh đang chờ có tạng để được ghép.
Sau ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 tại Học Viện Quân y, đến nay nước ta đã ghép tạng thành công cho khoảng 8.000 trường hợp ở 25 trung tâm trên cả nước và đã làm chủ nhiều kỹ thuật khó trong lĩnh vực ghép tạng như ghép thận – tụy, ghép tim – phổi, ghép ruột... Có thể nói, kỹ thuật ghép tạng của nước ta đã ngang hàng các nước trên thế giới.
“Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới về ghép tạng vì hội nhập của Việt Nam còn thấp, do nguồn tạng hiến sau chết não trên cộng đồng và vận động tại các bệnh viện rất thấp; tỷ lệ người dân đăng ký hiến tạng thấp nhất thế giới, tỉ lệ người ghép tạng từ người cho chết não cũng thấp” - bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Do đó, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam có ý nghĩa rất đặc biệt, “góp phần lan tỏa trong cộng đồng tinh thần cho đi là còn mãi, nếu không chúng ta rất lãng phí vì nguồn tạng nếu không hiến thì cũng mất đi trong khi nhiều người cần có tạng để ghép”.
TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Chi hội trưởng Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, việc thành lập Chi hội sẽ là dấu mốc quan trọng để tập thể cán bộ y tế bệnh viện cùng chung tay đẩy mạnh hơn công tác vận động hiến mô bộ phận cơ thể người, góp phần làm thay đổi nhận thức về đăng ký hiến tạng, trước hết là trong nhân viên y tế rồi lan toả ra cộng đồng, từ đó thay đổi về hành động.
Chi hội sẽ là cánh tay nối dài quan trọng của ngành y tế trong việc vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, góp phần làm thay đổi nhận thức về đăng ký hiến tạng, trong nhân viên y tế rồi lan toả ra cộng đồng, từ đó thay đổi về hành động.
"Với việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đặt tại bệnh viện, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc vận động, hiến mô tạng để trong năm 2024 số người hiến tạng sẽ nhiều hơn. Mục đích cuối cùng là càng nhiều bệnh nhân hơn nữa được cứu sống", Tiến sỹ Hùng nhấn mạnh.