Báo cáo tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2022 của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ mổ lấy thai ở Việt Nam tăng liên tục trong 15 năm qua. Năm 2005, tỷ lệ sinh mổ ở Việt Nam là 12%. Tới năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên 37%.

Báo cáo cũng cho thấy, tại một số cơ sở chuyên khoa tuyến cuối tỉ lệ mổ đẻ chiếm khoảng 50%.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có khoảng 21.000 ca đẻ, trong đó hơn một nửa là đẻ mổ, tỉ lệ đẻ mổ tăng dần theo các năm. 5 năm gần đây (2015 đến 2019), trong hơn 110.000 ca sinh nở tại bệnh viện có gần 68.000 ca mổ, tức là hơn 50%, và gấp đôi so với 10 năm trước đó. Ngoài lý do bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi thì tình trạng chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao. Nhiều gia đình mong muốn sinh con theo giờ, theo ngày đã được lựa chọn trước.

Theo PGS Trần Danh Cường- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW, đẻ mổ cả mẹ và bé có thể gặp nhiều nguy cơ hơn sinh thường. Người mẹ sinh thường không gặp các biến chứng của sinh mổ như gây tê màng cứng, gây mê, chảy máu vết mổ sau đẻ. Sau sinh, mẹ đẻ thường có sữa nhiều do trong quá trình chuyển dạ sẽ kích hoạt hệ thống nội tiết. Ngoài ra, thời gian hồi phục của sản phụ sau đẻ thường sẽ ngắn hơn.

Phụ nữ đã trải qua mổ lấy thai, ở lần mang thai tiếp theo sẽ tăng nguy cơ vỡ tử cung (đặc biệt những tháng cuối thai kỳ, lúc chuyển dạ) do thành tử cung mỏng. Nguy cơ vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ hai lần cao gấp đôi so với sẹo mổ cũ một lần.

PGS Cường khuyến cáo, chỉ sinh mổ trong trường hợp mổ lấy thai là chỉ định bắt buộc.