TS Đỗ Tuấn Đạt sinh năm 1970. Năm 1993, ông học Thạc sĩ y khoa chuyên ngành truyền nhiễm tại Đại học Y Hà Nội. Đến năm 1997, ông làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ TW. Năm 2000, sau khi Công ty Vabiotech được thành lập, ông chuyển công tác làm việc tại đây và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ. Năm 2013, ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Vabiotech đến nay. Công ty Vabiotech đã cung ứng 3 sản phẩm vắc xin là viêm gan B, viêm não Nhật Bản và tả uống cho Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Ngoài ra, Công ty còn hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài sản xuất các loại vắc xin quai bị, rubella, viêm màng não do não mô cầu, thủy đậu. Hiện nay, ngoài vắc xin Covid-19, một trong những công trình khoa học mà TS Đỗ Tuấn Đạt cùng các đồng nghiệp đang dành tâm huyết để nghiên cứu là chế tạo vắc xin Hib phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ ở trẻ em, thực hiện mong muốn làm chủ trong việc sản xuất vắc xin trong tương lai.

TS Đỗ Tuấn Đạt đã dành thời gian chia sẻ những câu chuyện về những bước ngoặt trong quá trình nghiên cứu với phóng viên VOV2.

PV: Thưa ông, được đào tạo để làm bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm nhưng sau lại chuyển sang nghiên cứu vắc xin, hẳn là con đường này nhiều chông gai với ông?

Thời gian làm bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm, tôi quan tâm đối với lĩnh vực y tế dự phòng nên được Cố GS Hoàng Thủy Nguyên – Nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW giới thiệu về Viện làm. Tôi nghiên cứu vắc xin viêm gan B trong 3 năm thì được cử đi học công nghệ sinh học phân tử tại Mỹ. Thời gian đầu làm việc trong phòng thí nghiệm không thích thú gì cả vì suốt ngày chỉ có một mình tiếp xúc với các ống nghiệm, kết quả số liệu…, lâu dần những nghiên cứu có kết quả, được ứng dụng thì vui hơn, có động lực. Tôi tiếp tục làm những đề tài cấp nhà nước có liên quan đến vắc xin như vắc xin dại trên tế bào vero. Trước đây, vắc xin dại thử nghiệm trên não chuột gây nhiều phản ứng không mong muốn nên tôi chuyển nghiên cứu vắc xin đó sang tế bào vero, đến nay có kết quả khá tốt trong phòng thí nghiệm, tôi nghĩ sẽ tiếp tục thử nghiệm vắc xin này trên chó, nếu an toàn và đạt kết quả tốt sẽ thử nghiệm trên người. Sau đó, mục tiêu sẽ là nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết.

PV: Đã từng trải qua những thất bại trên con đường nghiên cứu khoa học, điều gì đã trở thành động lực để ông tiếp tục nghiên cứu?

Đối với người làm vắc xin, phải biết chấp nhận những thất bại, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân cũng như truyền lại cho thế hệ sau để họ không mắc lại những sai lầm giống mình. Cho đến nay, khi nghiên cứu vắc xin Covid -19, vấn đề đặt ra là triển khai trong thời gian ngắn thì phải giảm thiểu thất bại, nếu không sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền của.

PV: Hiện nay, việc nghiên cứu vắc xin Covid - 19 đang ở giai đoạn nào và dự kiến bao giờ có thể tiến hành tiêm thử nghiệm trên người, thưa ông?

Hiện nay vắc xin Covid – 19 đã thử nghiệm trên chuột và trên khỉ. Đến nay đã đánh giá được tính an toàn. Nghiên cứu vắc xin Covid - 19 quan trọng nhất là những số liệu ở trên động vật phải hoàn chỉnh về độ an toàn, hiệu quả bảo vệ cũng như tính sinh miễn dịch của vắc xin, từ đó mới có đủ hồ sơ đảm bảo yêu cầu trước khi thử nghiệm vắc xin trên người. Dự kiến hoàn thành trong tháng 2. Hy vọng trong tháng 3 sẽ có vắc xin đạt tiêu chuẩn cũng như những số liệu cụ thể để trình Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh của Bộ Y tế thông qua và phê duyệt có thể cho phép thử nghiệm trên người.

PV: Để đi đến kết quả như ngày hôm nay, bản thân ông và nhóm nghiên cứu đã trải qua những thời khắc gì đáng nhớ?

Đối với quá trình nghiên cứu vắc xin thời điểm bùng phát dịch thực sự là một dấu ấn. Vắc xin là một áp lực lớn đối với những người làm nghiên cứu. Đối với nhóm nghiên cứu của chúng tôi, thời điểm đó các thành viên đang học tập và làm việc tại Anh chịu áp lực phải ngay cho ra kết quả nghiên cứu ban đầu một cách nhanh nhất, đặc biệt là những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm bởi những chủng giống này rất có ích cho nghiên cứu sau này tại Việt Nam. Nhưng không may, dịch bệnh bắt đầu lan tràn ở Anh và nước này đã có lệnh đóng cửa biên giới. Nhóm nghiên cứu đã phải làm việc gần như không nghỉ để nhanh chóng hoàn thành kế hoạch đề ra và mang chủng được về Việt Nam. Rất may mọi việc đều thuận lợi và nhóm nghiên cứu đã về nước an toàn.

PV: Lúc đó Vabiotech đã có gì trong tay và được sự hỗ trợ như thế nào từ bên Anh?

Có 2 khía cạnh là sự hợp tác của các nhà khoa học bên Anh đó là trao đổi về công nghệ vì thực sự công nghệ làm trong lần này hoàn toàn mới, Vabiotech chưa bao giờ tiến hành đối vắc xin này cả. Đó là công nghệ vector virus. Thứ hai là tác nhân hoàn toàn mới, lúc đó, trên thế giới mới hiểu có thể phân lập được tác nhân và thứ hai là các đoạn gen mà mình muốn đưa vào để làm vắc xin đều là kết quả sơ bộ thôi, chúng ta chưa thể khẳng định được rằng, liệu chúng ta có thể thành công được hay không với việc lựa chọn này. Còn về phía Vabiotech thì thời điểm này chúng tôi đã có kinh nghiệm nhất định để làm đối với các vắc xin ở trên tế bào từ trước tới nay.

PV: Kể từ khi xuất hiện, virus Sars CoV- 2 không ngừng biến thể và theo các nhà khoa học, sự biến đổi của virus chủng mới ở nước Anh có hệ số lây truyền cao hơn so với các chủng đã từng xuất hiện trước đây. Điều này liệu có tác động như thế nào đối với tiến trình nghiên cứu vắc xin Covid - 19, thưa ông?

Các nhà khoa học khi làm đã lựa chọn những thay đổi vùng kháng nguyên, mang tính chất ổn định nhất và đáp ứng tính miễn dịch cao đối với bản thân khi vào trong cơ thể con người. Lần này người ta nghi ngại những đột biến có tác động gì đối với miễn dịch trên cơ thể người hay không thì cần nghiên cứu tiếp theo. Chúng tôi với các nhà khoa học bên Anh đang nghiên cứu vấn đề này và mong rằng sẽ có số liệu cụ thể. Những nghiên cứu đó sẽ giúp mình đưa ra quyết định có nên thay đổi hay không, chẳng hạn nếu phải thay đổi thì cũng không còn quá khó nữa, chỉ cần 4-6 tuần đã có thể thay đổi sang những dạng vắc xin mới được ngay rồi.

PV: Hiện nay, trước Vabiotech đã có 2 đơn vị nghiên cứu triển khai tiêm thí điểm trên người – liệu đây có trở thành áp lực đối với ông và nhóm nghiên cứu của mình khi không phải là đơn vị đầu tiên tiến hành tiêm thử nghiệm?

Việt Nam có 4 nhà sản xuất, 2 nhà sản xuất này đã thử nghiệm lâm sàng. Trên thế giới có gần 200 nhà nghiên cứu, 50 nhà sản xuất đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng và đã có những vắc xin được cấp phép để sử dụng lưu hành rồi. Đối với mỗi quá trình, người làm vắc xin phải chịu trách nhiệm trước kết quả nghiên cứu của mình, làm sao bảo đảm rằng vắc xin sử dụng trên người là an toàn và có hiệu quả. Với chúng tôi thì áp lực liên tục rồi, với việc có hay không có áp lực thì vẫn phải làm thôi. Cũng biết xã hội, người dân cần vắc xin sớm, chúng tôi cố gắng rút ngắn thời gian nghiên cứu lại nhưng rút ngắn gì thì rút ngắn cũng phải thực hiện đúng quy trình và đảm bảo an toàn.

PV: Ông kỳ vọng gì về những lần thử nghiệm vắc xin tới đây sẽ được thực hiện trên người?

Vắc xin là phải đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu và tiêm thử nghiệp cũng đã minh chứng cho mục tiêu này rồi. Tuy nhiên, thành công không chỉ nằm ở nghiên cứu mà nó còn thể hiện ở tính ứng dụng an toàn trên quy mô lớn.

PV: Có thể nói hiện nay, Vabiotech là một trong những nhà sản sản xuất vắc xin hàng đầu ở Việt Nam. Ông có thấy hài lòng với kết quả này?

Là công ty sản xuất và kinh doanh vắc xin, yêu cầu đầu tiên là tính nghiêm ngặt về mặt chất lượng. Đây là điều chúng tôi hài lòng với những sản phẩm của công ty, minh chứng là chúng đã được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đã đạt kết quả rất tốt.

PV: Trong tương lai sẽ có những bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, virus Sars – cov 2 là ví dụ điển hình. Vậy, thời gian tới, việc sản xuất vắc xin ở nước ta gặp những thách thức gì, thưa ông?

Thách thức lớn nhất là công nghệ. Chúng ta đều hiểu rằng thông qua dịch bệnh lần này, các nhà khoa học trên thế giới đã thay đổi khá đặc biệt đối với công nghệ sản xuất vắc xin. Trước đây những công nghệ truyền thống mà các nhà sản xuất vắc xin đang làm như vắc xin tái tổ hợp, vắc xin bất hoạt… dần dần không còn là ưu thế nữa mà người ta phải thay đổi về gen và công nghệ protein…

PV: Vậy, thời gian tới, Vabiotech sẽ thay đổi như thế nào để giải quyết những thách thức này và có thể tự chủ hoàn toàn trong việc sản xuất vắc xin?

- Đầu tiên là minh chứng Việt Nam đủ khả năng sản xuất vắc xin mà trước tiên là vắc xin Covid - 19, đồng thời chuẩn bị cho bước chuyển đổi tiếp cận công nghệ mới cho sản xuất vắc xin, mà yếu tố quan trọng nhất là về mặt con người, con người có kiến thức sử dụng được công nghệ mới. Đó là yếu tố hàng đầu. Làm sao để quản lý đội ngũ làm vắc xin là thách thức lớn. Đối với người làm những công việc bình thường đã phải đào tạo bài bản rồi, có tính tuân thủ cao thì việc sản xuất vắc xin càng phải yêu cầu kỷ luật cao hơn nữa. Rút kinh nghiệm từ dịch Covid - 19 thì cần chuẩn bị cho đại dịch nào đó xảy ra trong tương lai, chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ để có vắc xin tốt nhất phòng bệnh, không chỉ cho bản thân mà còn trong cộng đồng nữa.

Xin trân trọng cảm ơn ông.