Chiều 28/11, thông tin tại cuộc tọa đàm chuyên đề về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tổ chức, PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 33,3% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2020 tỷ lệ này chỉ còn 11,6%.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao (tỷ lệ này là 19,6%, theo số liệu tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020).

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; phụ nữ có thai là 25,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng (chưa có biểu hiện bệnh) là 9,5%.

Vẫn còn 58% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm (theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020).

Tuy nhiên chúng ta vẫn đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng: tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì.

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân chưa hợp lý, khẩu phần ăn đơn điệu khiến các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A, sắt, kẽm... không được cung cấp đầy đủ thông qua thực phẩm và chế độ ăn hàng ngày.

Qua thực tế khám và tư vấn dinh dưỡng tại Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, TS Phan Bích Nga Giám đốc TT cũng cho biết, chủ yếu các trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc ngấp nghé suy dinh dưỡng là do người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức, không phải do thiếu thực phẩm, cũng không hẳn do trẻ biếng ăn hay bị ốm. Nhiều người bà hoặc mẹ áp dụng chế độ ăn của người trưởng thành cho trẻ em, chỉ cho ăn tinh bột, rau củ nhưng ăn rất ít đạm động vật và hầu như không có dầu mỡ.

Các trẻ bắt đầu tập ăn dặm đến với chúng tôi bị suy dinh dưỡng đa phần được cha mẹ cho ăn rất ít dầu mỡ, mỗi bữa chỉ vài giọt, trong khi đó trẻ tập ăn dặm 6 tháng là phải ăn ngay 5ml dầu mỡ (1ml khoảng 18-20 giọt). Ăn vài giọt thì coi như là không ăn và khi thiếu dầu mỡ, thiếu chất béo thì không chỉ thiếu năng lượng mà đồng thời không hấp thu được các vitamin quan trọng tan trong dầu như vitamin A, D… đấy chính là lý do làm cho trẻ bị thiếu nhiều vi chất…” - TS Phan Bích Nga thông tin.

Thiếu vi chất dinh dưỡng dinh dưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự phát triển thể lực, cản trở sự tăng tưởng và phát triển toàn diện ở trẻ em và là nguyên nhân chính dẫn tới chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ.

Tuy nhiên, các biểu hiện của thiếu vi chất dinh dưỡng vô cùng mờ nhạt, khó chẩn đoán, “khi trở thành bệnh thì có bao nhiêu tiền cũng không cải thiện hay đảo ngược được” - TS Trần Khánh Vân Trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng-Viện Dinh dưỡng cho biết.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để không thiếu bất kỳ một vi chất dinh dưỡng nào cách tốt nhất là phải đa dạng thực phẩm.

Nhằm phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng, từ ngày 1/12 tới, Chiến dịch bổ sung vitamin A toàn quốc đợt 2 - 2023 được chính thức triển khai. Hơn 6 triệu trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi sẽ được bổ sung vitamin A liều cao tại hơn 11.000 xã, phường trong toàn quốc.

Thông qua chiến dịch, các bà mẹ đưa con đến trạm y tế bổ sung vitamin A sẽ được tư vấn kiến thức bằng các thông điệp truyền thông ở loa đài xã phường, các trang thông tin. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong tuyên truyền người dân ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng tối đa nguồn thực phẩm tự nhiên và sẵn có tại địa phương, hướng tới chuyển đổi thực phẩm bền vững” - Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia nói.