Cho ý kiến tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 vào ngày 08/11, từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đã có những đánh giá thẳng thắn về công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như chất lượng hệ thống y tế cơ sở hiện nay.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, dù hiện nay Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng với hơn 22,5 nghìn người tử vong vì COVID-19, đó là sự mất mát quá lớn. Điều đáng nói là không ít bệnh nhân tử vong vì lý do không được chăm sóc tốt.

“Để thực sự sống chung với dịch COVID-19 thì cần phải chủ động, linh hoạt khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm số ca nặng, giảm số ca tử vong... Trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã có những kinh nghiệm thực tế, đây là bài học rất cần thiết”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Để phòng chống dịch hiệu quả, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, cần phải đánh giá lại hệ thống y tế cơ sở. Mặc dù về phân bổ ngân sách có đặt ra mục tiêu là dành tối thiểu 30% ngân sách chi cho y tế để bảo đảm công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, thực tế số địa phương thực hiện được điều này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Chưa kể 30% đó không đáng kể so với sự cần thiết, nhu cầu của người dân. Chúng ta phải phân bổ như thế nào để đáp ứng phân bổ dân cư chứ không phải là phân chia về địa lý. Ở đây cần phải có chính sách xuyên suốt và nếu không giải quyết được căn cơ thì chúng ta chắc chắn tiếp tục bị động”, bà Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.

Một bất cập hiện nay khiến hệ thống y tế cơ sở yếu được bà Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra là sự chắp vá, thay đổi liên tục về cơ cấu, tổ chức. Bà cho rằng, vấn đề y tế cơ sở không phải chỉ là vấn đề về tiền mà còn là nhân lực. Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có những hiểu biết đủ để hoạt động cho tốt.

Đơn cử như cách đây mười mấy năm, các Trung tâm y tế quận, huyện chia tách thành Bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế. Trước khi dịch bệnh xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo thì tất cả các Trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận/huyện lại trực thuộc của Sở y tế. Như vậy UBND của các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng và những người phụ trách về công tác y tế thực sự, thực chất của địa phương chỉ còn phòng y tế. Trong khi đó, phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý nhà nước.

Liên quan đến hệ thống điều trị, bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, chỉ một đợt dịch vừa qua đã nhìn thấy rõ năng lực điều trị thực sự như thế nào. Chúng ta chỉ tập trung vào phòng chống dịch COVID-19 để cấp cứu mà còn không đủ. Trong khi đó các bệnh viện chưa được chuẩn bị cơ sở về mặt pháp lý, kiến thức cần thiết để đảm bảo khả năng cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và đặc biệt là cơ chế tài chính chưa rõ ràng.

“Ví dụ vấn đề xét nghiệm, nếu như chúng ta phân công cho cơ quan bảo hiểm làm việc đó cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ, lựa cái giá thấp nhất thì chắc không có tình trạng loạn giá xét nghiệm như đã xảy ra”, bà Phạm Khánh Phong Lan minh chứng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, hệ thống y tế của chúng ta vốn đã thiếu, yếu song hệ thống y tế tư nhân lại chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế để tham gia vào phòng chống dịch cho đúng. Cái gì chúng ta cũng muốn bao cấp, mà bao cấp thì lo theo giá nhà nước, y tế tư nhân không thể tham gia được. Và điều này cũng đúng đối với câu chuyện vaccine khi đến nay vẫn chưa cho phép tiêm vaccine dịch vụ. Mặc dù vaccine dịch vụ cũng là một hình thức để xã hội đóng góp.

“Vấn đề quan trọng là thay đổi về mặt quan điểm. Tất cả những gì chúng ta đã trả giá trong thời gian qua chính là hệ quả để lại khi mà hệ thống y tế chưa đủ mạnh”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận): “Tôi cho rằng, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở. Rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch”.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai): "Cùng với vấn đề vaccine cần đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở. Đây là trụ cột phòng, chống dịch nhưng thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng, vừa thiếu, vừa yếu nên khi xảy ra đại dịch thì rất vất vả và không phát huy được vai trò."