Theo BS Nguyễn Minh Hồng – Phó GĐ Trung tâm Dịch vụ y tế dự phòng – Viện Vệ sinh Dịch tễ TW sở dĩ vắc-xin cúm không có hiệu lực bảo vệ lâu dài như các loại vắc-xin khác bởi virus gây bệnh có nhiều chủng và thay đổi liên tục. Vì vậy, mỗi năm, mọi người đều nên tiêm phòng cúm, nhất là trẻ em và những người có sức đề kháng kém.

Thông thường, phải hai tuần sau khi tiêm vắc xin, cơ thể mới sinh kháng thể chống lại virus. Vì vậy, nên tiêm vắc-xin cúm cho trẻ trước mùa dịch. Tại những khu vực chia hai mùa nóng – lạnh rõ rệt như miền Bắc nước ta thì thời điểm tốt nhất tiêm vắc xin cúm là vào tháng 9, 10, 11. Nhưng ở miền Nam, các giám sát dịch tễ cho thấy số ca mắc cúm xuất hiện rải rác quanh năm nên bất cứ khi nào bà mẹ cũng có thể đưa con đi tiêm phòng cúm.

Vắc-xin cúm rất an toàn nên đa số trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm được. Sau khi tiêm, trẻ có thể bị sưng đau tại chỗ , sốt nhẹ nhưng các biểu hiện này nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, một số trẻ đang mắc bệnh như sốt, nhiễm trùng … có thể hoãn tiêm. Vắc-xin cúm chống chỉ định với trẻ có tiền sử dị ứng vắc-xin hoặc trứng gà.

Hiện trên một số trang mạng xã hội rao bán loại vắc-xin khô phòng cúm dạng uống, được chiết xuất từ thảo dược. Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế nước ta chưa cấp phép lưu hành cũng như không coi sản phẩm này là vắc-xin. Vì vậy, các bà mẹ nên thận trọng khi mua và sử dụng cho trẻ. Biện pháp hiệu quả nhất để phòng cúm vẫn là tiêm vắc-xin và thực hiện vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.