Trong số 6.500 ca ghép tạng có 6.100 ca ghép thận; 384 ca ghép gan; 59 ca ghép tim; 9 ca ghép phổi; 1 ca ghép tụy, thận; 1 ca ghép tim, phổi và 2 ca ghép ruột.

Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc xây dựng được danh sách các trường hợp chờ ghép tạng quốc gia với gần 50.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc sau khi chết não.

Hiện trên cả nước có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép 1 trong 6 bộ phận cơ thể người gồm: lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não; lấy, ghép gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não; lấy, ghép phổi từ người hiến sống và từ người hiến chết não.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện cả nước có 1.500 bệnh viện, với khoảng 300 bệnh viện đồng thời là nơi điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não. Như vậy, mỗi bệnh viện chỉ cần chẩn đoán, tư vấn cho 1 bệnh nhân chết não hiến tặng mô bộ phận cơ thể người thì trong một năm sẽ có khoảng 300 người hiến tạng.

Tuy nhiên, số ca được ghép từ người hiến chết não quá khiêm tốn so với nhu cầu của người bệnh suy tạng cần được ghép. Ước tính, tại Việt Nam trong một ngày có khoảng 10 người chết trong khi chờ ghép tạng.

"Hiện nay, 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não, điều này đi ngược với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não. Đây là một khó khăn, thách thức cần truyền thông, vận động nhằm tăng cường nguồn tạng hiến để cứu sống người bệnh"- PGS.TS Đồng Văn Hệ nhận định.