Sáng sớm, hai mẹ con chị Thu Huyền đã đi Thái Nguyên xuống Viện Dinh dưỡng quốc gia để khám và tư vấn dinh dưỡng. Bé Thu Thảo – con của chị - mới 7 tuổi nhưng nặng gần 40kg. Hơn một năm qua, dù đã cắt giảm khẩu phần ăn cũng như tăng cường vận động, song cân nặng của bé Thảo vẫn tăng lên khiến chị sốt ruột, lo lắng. Điều khiến chị Huyền lo ngại hơn nữa là gần đây ở vùng da cổ và nách của con gái xuất hiện những vệt đen và được bác sĩ cho biết bé bị rối loạn chuyển hóa đường máu, cần kiểm soát chế độ ăn uống cũng như cân nặng tốt hơn nữa.
9 tuổi, nặng 40 kg, bé Bảo Anh ở Hà Nội cũng đang trong tình trạng thừa cân. Chị Thanh Thủy, mẹ của bé cho biết, kể từ khi tăng cân nhanh, màu da ở các vùng nếp gấp như cổ, nách, khuỷu tay của bé trở nên đen sạm. Tuy nhiên, chị không hề biết rằng đó là biểu hiện bất thường ở trẻ thừa cân, béo phì. “Em tưởng con vệ sinh không kỹ nhưng khi em tắm cho con, kỳ cọ kỹ vệt đen đó cũng không hết. Nhiều người bảo là kệ nó, lớn lên sau này sẽ hết.” – chị Thủy cho biết.
Tưởng con vệ sinh da không sạch, tưởng những vết sạm đen trên da chỉ là biểu hiện bình thường khi trẻ đang trong độ tuổi phát triển – không chỉ chị Thủy mà nhiều bậc cha mẹ cũng chưa hiểu hết về bệnh gai đen – một bệnh lý về rối loạn chuyển hóa có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài của trẻ.
Theo TS-BS Lê Phong - cố vấn cao cấp Bệnh viện An Việt – những mảng da sẫm màu ở các vùng cổ, nách, nếp gấp khuỷu tay ở trẻ thừa cân, béo phì là biểu hiện của bệnh lý nội tiết – dinh dưỡng. Khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu này, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bệnh và nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra đường máu, chức năng gan, thận…để có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn tiến triển thành bệnh đái tháo đường.
“Trẻ thừa cân, béo phì kèm theo gai đen ở vùng nếp gấp da có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao gấp từ 5 đến 8 lần so với những trẻ thừa cân, béo phì nhưng không có hiện tượng này. Tôi nhấn mạnh, đây chỉ là nguy cơ nên vẫn có thể áp dụng các biện pháp can thiệp, ngăn chặn tiến triển thành bệnh đái tháo đường, do đó các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng.” – BS Lê Phong nói.
Bệnh gai đen thường xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi từ 8-15 tuổi – giai đoạn mà trẻ rất hiếu động, nhưng thường ở độ tuổi này, các bậc cha mẹ không trực tiếp tắm rửa, vệ sinh cho con nên dễ lầm tưởng những đám da đen là do trẻ vệ sinh kém. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh có thể chuyển thành đái tháo đường thực sự – căn bệnh mạn tính với rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
BS Lê Phong cho biết, hiện nay, việc điều trị bệnh gai đen còn gặp rất nhiều khó khăn và chưa có một công thức nào cả. Các biện pháp can thiệp, điều trị kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau bao gồm tâm lý, dinh dưỡng và nội tiết.
“Điều đầu tiên cần thực hiện là giảm cân cho trẻ. Để giảm cân thì cần can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng. Đồng thời các bác sĩ sẽ cân nhắc xem có cần cho trẻ uống thuốc giảm cân hay chưa để ngăn ngừa ngay sự tiến triển thành bệnh đái tháo đường. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng cần dựa trên từng cá thể, là trẻ nam hay nữ, lứa tuổi bao nhiêu, hoạt động thể lực thế nào… để tính toán giúp cho trẻ được cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng mỗi ngày nhưng vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu giảm cân. Đây là việc phải thực hiện lâu dài, không chỉ vài tháng mà có thể kéo dài một năm hoặc lâu hơn và cần có sự đồng hành của bố mẹ, các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng – nội tiết cũng như sự động viên, khích lệ từ thầy cô giáo, bạn bè để trẻ không bị mặc cảm về ngoại hình, đảm bảo việc học tập” – BS Lê Phong hướng dẫn.
Cũng theo BS Lê Phong, dù khi trẻ đã kiểm soát được cân nặng và hết triệu chứng gai đen trên da thì khi trưởng thành, trẻ vẫn cần tiếp tục thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động khoa học, hợp lý duy trì cân nặng phù hợp. Đồng thời, hằng năm, những trường hợp này nên đến các bác sĩ chuyên khoa nội tiết – dinh dưỡng để kiểm tra sức khoẻ, nhằm sàng lọc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là phụ nữ khi chuẩn bị mang thai thì cần được theo dõi kỹ lưỡng hơn.