Bệnh nhi là học sinh lớp 9, chuẩn bị tốt nghiệp trung học cơ sở, bị một con chó cắn vào chân. 2 ngày sau thì con chó chết.

1 tháng sau, khi chơi bóng đá xong, bệnh nhi thấy rất mệt, đau nhiều ở chân bị chó cắn và có biểu hiện sợ gió, uống nước thì bị co thắt vùng hầu họng...

Người nhà đưa bệnh nhi vào viện, được bác sĩ giải thích là vô phương cứu chữa nên đưa về. Chỉ vài tiếng sau, bệnh nhi tử vong tại nhà.

Từ cuối năm 2021 đến nay, đây là ca thứ 4 bị chó dại cắn ở Quảng Bình, tất cả đều không qua khỏi. Đây là lời cảnh tỉnh cho những ai yêu thích động vật, muốn nuôi chó, mèo phải tiêm phòng đầy đủ.

Theo hướng dẫn của WHO, vết thương được rửa và điều trị kịp thời sau khi bị cắn là một quyết định sống còn. Các vết cắn cần phải được rửa sạch ngay lập tức bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng thời gian nêu trên. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Sau đó, vết thương cần được làm sạch kỹ hơn với cồn 70% hoặc cồn iod nếu có. Không nên khâu vết thương sớm, trừ vết thương ở mặt. Nạn nhân bị động vật cắn cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời.

Thời kỳ ủ bệnh được tính từ thời điểm bị chó cắn đến khi phát bệnh, đây là khoảng thời gian quý báu quyết định khả năng cứu sống người bệnh. Dấu hiệu khác lạ duy nhất là vết cắn. Vì vậy, người bị động vật cắn cần phải đi khám để tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.

Trong vòng 10-14 ngày sau khi bị chó cắn nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì nên nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng dại. Còn sau 14 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường, không cần phải đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại nữa.

Tiêm vaccine phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) là bắt buộc nếu nạn nhân bị động vật bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Đặc biệt cần nhanh chóng tiêm phòng trong các trường hợp sau đây:

+ Vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu.

+ Màng nhầy ở da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại.

+ Con vật đã cắn người bị chết hoặc biến mất trong thời gian theo dõi hoặc có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường, bị ốm hoặc thay đổi tính tình.

+ Kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi dại hoặc bị dại cho kết quả dương tính.

Ngoài ra, cần đưa thú nuôi đi tiêm phòng bệnh dại: tiêm phòng dại sớm cho chó ở khoảng 6-8 tuần tuổi và mèo ở 8 tuần tuổi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y nếu muốn tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó hoặc mèo sơ sinh hoặc khi bỏ lỡ thời gian tiêm phòng cho vật nuôi.