Sau 30 phút tạm hoãn so với giờ khai cuộc dự kiến, 12 đô cử bắt đầu bước vào 2 bài cử giật và cử đẩy, mỗi nội dung được nâng tối đa 3 lần, tính tổng cử để xếp hạng chung cuộc. Ở lần cử giật đầu tiên, Trịnh Văn Vinh không nâng được mức 128 kg, đô cử Việt Nam duy trì mức tạ này ở 2 lần tiếp theo nhưng đều thất bại, qua đó không được tính thành tích cử giật và đương nhiên không thể tiếp tục phần thi cử đẩy. Phải sớm dừng bước do thất bại ở cả 3 lượt cử đẩy như Văn Vinh còn có 3 VĐV từ Philippines, Bulgaria và Italia.
Ngược lại, ứng viên số 1 cho tấm HCV Li Fabin thể hiện rõ sự vượt trội khi liên tiếp nâng thành công các mức 137 kg, 140 kg, rồi lập kỷ lục Olympic ở mức cử giật 143 kg. Đô cử 29 tuổi người Trung Quốc tiếp tục tỏa sáng ở phần thi cử đẩy với mức cao nhất là 167 kg, qua đó giành HCV cùng tổng cử 310 kg. Xếp tiếp theo là 2 đô cử 20 tuổi, Theerapong Silachai của Thái Lan đoạt HCB với tổng cử 303 kg, còn Hampton Morris của Mỹ nhận HCĐ với tổng cử 298 kg.
Phần thi của Trịnh Văn Vinh phần nào mang đến sự thất vọng, song có thể thông cảm khi cả ban huấn luyện và đô cử 29 tuổi đã quyết định mạo hiểm với mức tạ khá cao, bởi nếu không thể cử giật tối thiểu 128kg thì gần như không có cơ hội tranh chấp huy chương. Lần đầu tham dự Olympic, lại chịu áp lực “niềm hy vọng huy chương cuối cùng” cho đoàn TTVN tại Paris 2024, Văn Vinh không thể thi đấu đúng sức mình, chưa kể chấn thương gối mới chỉ bình phục được khoảng 90%, phải tiêm thuốc giảm đau để tập luyện.
15 VĐV đã nói lời chia tay Paris 2024, đoàn Việt Nam còn một gương mặt cuối là tuyển thủ canoeing Nguyễn Thị Hương, thi đấu vào chiều 08/08. Mục tiêu của Nguyễn Thị Hương Hương là nỗ lực vượt thành tích của bản thân, không được kỳ vọng huy chương./.