Giải năm nay có sự tham gia của hơn 200 VĐV thuộc 8 đoàn đến từ các tỉnh, thành, ngành trên cả nước gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Công an nhân dân, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TPHCM. Đoàn chủ nhà Hà Nội khẳng định ưu thế khi xếp thứ nhất toàn đoàn với hành tích 7 HCV, 6 HCB và 8 HCĐ. Xếp ngay sau là đoàn TP.HCM đạt thành tích 2 HCV, 3 HCB và 4 HCĐ. Cán đích ở vị trí số 3 là đoàn Hải Phòng với 1 tấm HCV, 1 HCB và 2 HCĐ.

Dù được đánh giá là còn non trẻ nhưng đoàn đấu kiếm Bắc Ninh đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực khi đạt thành tích: 2 HCĐ và 1 tấm HCV ở nội dung đồng đội nam kiếm chém. VĐV Lê Bá Long của đội đấu kiếm nam Bắc Ninh chia sẻ sau khi giành tấm HCV đầy thuyết phục: “Bọn em đã tập những bài kỹ thuật chiến thuật thường xuyên để trở thành kỹ năng kỹ xảo. Em sẽ cố gắng ở các giải sau để giành được kết quả như vậy. Em mong muốn sẽ được đi cọ xát, tập huấn và du đấu nhiều hơn để học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn. Em mong đấu kiếm sẽ trở thành một môn phổ biến hơn ở quốc gia mình”.

Đoàn đấu kiếm Hải Dương cán địch ở vị trí thứ 4 khi đạt thành tích 1 tấm HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Cựu tuyển thủ Trần Thị Len - trưởng đoàn đấu kiếm Hải Dương, đánh giá về giải đấu năm nay: “Giải VĐQG năm nay được tổ chức rất chuyên nghiệp. Chất lượng của trọng tài năm nay tiến bộ rất nhiều, có những trọng tài đẳng cấp quốc tế. Chất lượng vận động viên cũng tiến bộ nhiều đặc biệt ở các địa phương mới phát triển đấu kiếm như Quảng Ninh, Thanh Hóa, hay CAND. Tuy mới phát triển nhưng các VĐV thi đấu rất tốt và có khả năng cạnh tranh huy chương”.

Theo Cục Thể dục Thể thao, nếu không có gì thay đổi thì đây là giải duy nhất thuộc hệ thống quốc nội tổ chức trong năm nay. Về nguyên nhân khiến đấu kiếm của năm 2023 chỉ có thể tổ chức một giải quốc nội duy nhất (tính đến lúc này) là vì nguồn kinh phí chưa cho phép nên khó tổ chức được giải tiếp theo. Vậy nên bộ môn đấu kiếm cần được sự quan tâm hơn: “Các cháu đi tập cả năm mà chỉ có 1 giải đấu cho các cháu thì thật thiệt thòi. Các môn khác có đến 4, 5 giải đấu. Kể cả nước ngoài họ cũng có những giải trẻ cho các lứa tuổi 9,10,11,13 để các cháu nhỏ mới tập vẫn có thể đi học hỏi từ sớm. Để thành lập liên đoàn cũng cần có nhà tài trợ như bóng đá, điền kinh, bóng chuyền họ có các nhà tài trợ lớn. Có nhà tài trợ, nhiều nhà quảng cáo thì mới thu hút được nhiều người đến. Truyền thông cũng ít, các môn thể thao khác truyền thông rất nhiều thu hút người ta xem mới đẩy phong trào lên” - HLV Trần Văn Hải đội tuyển đấu kiếm Quảng Ninh chia sẻ.

Hiện tại, toàn quốc có 8 địa phương, đơn vị đầu tư cho môn đấu kiếm. Dẫu vậy, các đoàn đã tạo nên một giải đấu VĐQG năm 2023 vô cùng hấp dẫn và sôi nổi với những trận đấu mang chất lượng chuyên môn tốt. Việc cần thiết là làm sao duy trì số lượng các VĐV ở môn đấu kiếm và gia tăng giải đấu quốc nội trong những năm tới. Khi Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam được thành lập sẽ là bước phát triển mạnh mẽ để nâng cao môn thể thao này, việc tìm thêm nguồn lực để đấu kiếm được biết tới nhiều hơn cũng như có thêm cơ hội tổ chức các giải đấu là khả thi.

Còn hai năm nữa là tới SEA Games 33 năm 2025 tại Thái Lan, môn đấu kiếm nằm trong chương trình thi đấu chính thức của Đại hội. Đấu kiếm Việt Nam sẽ cần nhiều giải đấu và chương trình tập luyện, tập huấn từ đó tạo đà phát triển cho các VĐV trẻ cũng như thúc đẩy các VĐV đã khẳng định chất lượng. Trên cơ sở đó phát triển bộ môn đấu kiếm đúng với tiềm lực sẵn có.