Từ khóa "Djokovic" trở thành xu hướng trên mạng xã hội ở Australia, ở Serbia và nhiều nơi khác trên thế giới, khi ngôi sao người Serbia thông báo được chấp thuận miễn trừ y tế để tham dự Australian Open, rồi bất ngờ bị từ chối nhập cảnh ở sân bay Melbourne khi không có đủ bằng chứng để hỗ trợ miễn trừ y tế. Sau đó, ngôi sao số 1 của làng banh nỉ toàn cầu được chuyển đến cơ sở tạm giữ người di cư ở Melbourne. Tay vợt người Serbia cũng đã đệ đơn kháng nghị quyết định trục xuất của cơ quan chức năng Australia.

Câu chuyện miễn trừ y tế của Djokovic gây ra làn sóng phẫn nộ đối với người dân Australia, những người đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống Covid 19. Thâm chí, hashtag #DjokovicOut nổi bật trên mạng xã hội Australia.

"Tôi không quan tâm Djokovic giỏi như thế nào. Nếu anh ấy từ chối tiêm phòng, thì không nên được phép nhập cảnh. Nếu sự miễn trự này là thật, nó sẽ gửi một thông điệp kinh hoàng đến hàng triệu người đang tìm cách giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại Australia" - Stephen Parnis, cựu Phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, bày tỏ.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã nêu quan điểm trước báo giới: “Quy định là quy định! Đó là những gì tôi từng nói với các bạn vào hôm qua, đó là chính sách của chính phủ và là chính sách bảo vệ biên giới mạnh mẽ của chính phủ chúng tôi, đặc biệt khi liên quan đến đại dịch, chính điều này đã đảm bảo rằng Australia là một trong các quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid thấp nhất. Không thích hợp để tôi nói về lịch sử y tế của anh Djokovic. Đó không phải là điều công bằng. Nhưng những gì tôi có thể nói là chứng cứ miễn trử y tế của anh Djokovic là không đủ!”.

Còn Rafael Nadal, tay vợt Tây Ban Nha hiện đang có mặt ở Australia để dự giải tiền Grand Slam là ATP 250 Melbourne Summer Set, cũng đã lên tiếng về vụ việc của “đại kình địch”.

"Những gì đã xảy ra là không tốt cho bất kỳ ai, nhưng tôi không biết tường tận mọi việc để có thể đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề của Djokovic. Tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn với nhiều gia đình phải chịu đựng đau khổ vì dịch bệnh trong 2 năm qua và việc mọi người ở Australia thất vọng với trường hợp này (Djokovic được miễn trừ y tế) là điều bình thường bởi vì họ đã gặp nhiều hạn chế, nhiều người dân Australia đã không thể trở về nhà hoặc di chuyển khỏi thành phố của họ. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi tin rằng những người hiểu biết về y học đã đưa ra lời khuyên rằng chúng ta phải tiêm phòng vaccine và chúng ta cần phải làm thế".

Nadal tiếp tục chia sẻ: "Tôi nghĩ nếu anh ấy muốn chơi ở Australian Open 2022, anh ấy có thể làm được điều đó mà không gặp vấn đề gì. Mọi người đều có thể tự do đưa ra quyết định của mình, nhưng họ sẽ phải nắm rõ những hậu quả của điều đó. Novak đã đưa ra quyết định của mình, không ai bắt anh ấy phải tiêm hay không tiêm phòng cả. Anh ấy là người lớn và với những quyết định của mình thì anh ấy phải gánh chịu hậu quả".

Cuối năm ngoái, sau 2 thất bại ở giải Mubadala Tennis Championship tại Abu Dhabi (UAE), Nadal đã có kết quả dương tính với Covid-19 khi trở về Tây Ban Nha. Dẫu vậy, Nadal đã nhanh chóng bình phục để bay đến Australia.

Ngày 6/1, luật sư đại diện cho chính phủ Australia, Christopher Tran cho biết Australia sẽ không lập tức trục xuất tay vợt Djokovic. Trong thông báo, luật sư Tran nêu rõ Australia không có kế hoạch trục xuất Djokovic trước phiên làm việc cuối cùng của tòa về vấn đề này vào ngày 10/1 tới.