Năm 2023 là mốc son trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam, khi đội tuyển quốc gia tham dự một mạch 4 giải đấu ở nhiều cấp độ, gồm SEA Games, ASIAD, vòng loại Olympic và đỉnh cao là World Cup 2023. Trong đó, việc duy trì thế thống trị ở SEA Games với tấm HCV thứ 4 liên tiếp, hay lần đầu góp mặt ở World Cup nữ là đỉnh cao chói lọi của đội tuyển nữ Việt Nam.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu căn cứ vào đó để cho rằng bóng đá nữ Việt Nam đã thật sự nằm trong nhóm hàng đầu của châu Á để có thể tiếp tục đoạt vé dự World Cup các kỳ sau. Khoảng cách tỷ số khi đội tuyển đối đầu với các đối thủ tại World Cup có thể chưa quá lớn như lo ngại. Kết quả thua đội Nhật Bản tới 0-7 ở ASIAD 19 cũng có vẻ chưa đánh giá đúng thực lực đội tuyển Việt Nam khi vắng một số trụ cột… Nhưng với những ai hiểu bóng đá, thì sự khác biệt về trình độ giữa đội tuyển Việt Nam với các đội tuyển tầm châu lục và thế giới là rất lớn, rất rõ ràng.

Bản thân HLV Mai Đức Chung cũng thừa nhận: “Bóng đá nữ Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, thiếu sót. Đội tuyển nữ Việt Nam đã vinh dự góp mặt ở World Cup 2023, nhưng rõ ràng về trình độ, chúng ta còn kém đội bạn rất nhiều. Chúng tôi đã làm báo cáo tổng kết và đề nghị các CLB kết hợp với VFF, cùng người hâm mộ bóng đá, chúng ta phải nhanh chóng đào tạo, không thể trông chờ vào ai được. Làm thế nào để có thể mở thêm nhiều trung tâm đào tạo cho bóng đá nữ, làm thế nào để có lớp kế cận để có thêm nhiều gương mặt lựa chọn cho đội tuyển nữ Việt Nam.”

Nhận thấy điều này, suốt những năm qua, nhà cầm quân lão làng của bóng đá nữ đã liên tục triệu tập những cầu thủ trẻ để tạo cơ hội cho các tiềm năng làm quen với đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, HLV Mai Đức Chung sẽ rời băng ghế chỉ đạo đội nữ sau năm 2023, để lại khoảng trống trên ghế chỉ đạo mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần phương án lấp đầy. Nhưng không đơn giản là tìm một người thay thế xứng tầm, vận mệnh của bóng đá nữ Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào một đội tuyển, mà nằm ở nền móng chất lượng giải vô địch quốc gia (VĐQG) và phong trào bóng đá nữ.

Trong một cuộc họp sau trận đấu tại World Cup nữ 2023, HLV Mai Đức Chung từng tâm sự ông ao ước giải VĐQG nữ Việt Nam có nhiều đội tham dự hơn hiện nay để có thêm nhiều lựa chọn cầu thủ. “Bóng đá nữ Việt Nam có số lượng đội còn ít, nên việc tuyển chọn cầu thủ lên tuyển còn hạn chế. Chúng tôi không có nhiều đội như bóng đá nam với V.League, hạng Nhất để có nhiều lựa chọn. Chúng tôi muốn có nhiều cầu thủ, song các bạn còn có hạn chế chuyên môn. Về thể lực, các cầu thủ có thể tốt lên và hòa nhập với đội tuyển sau khoảng 2, 3 tuần, nhưng về chuyên môn thì còn nhiều vấn đề.”

Ở Việt Nam, giải bóng đá nữ VĐQG nhiều năm qua chỉ có từ 6 - 8 đội tham gia, trong đó riêng Hà Nội và TP.HCM mỗi địa phương đã có 2 đội dự giải (gồm đội 1 và đội 2). Mùa giải 2023, giải VĐQG có 8 đội tham dự, thi đấu 14 vòng, gói gọn trong hơn 1 tháng. Trong khi đó, bóng đá nữ Nhật Bản sở hữu L.League (nay có tên Nadeshiko League) với 2 hạng đấu, mùa giải này có 22 đội tranh tài. Cầu thủ nữ Nhật Bản được đảm bảo thi đấu ít nhất 25 - 30 trận mỗi năm.

HLV Akira Ijiri của các đội tuyển nữ trẻ Việt Nam cho rằng: “Đội tuyển nữ Việt Nam cần phải phân tích trong 8 năm tới chúng ta sẽ như thế nào, từ đó mới làm rõ được câu chuyện. Tôi đang nghĩ về một chiến lược dài hạn. Với đội U.20 Việt Nam này, khả năng rất khó để 4 năm sau chúng ta có thể đi World Cup. Nếu tính một cách dài hạn, nếu chúng ta bắt đầu đào tạo cầu thủ từ năm 8, 9 tuổi thì sẽ mất khoảng 8 đến 12 năm, đội tuyển nữ Việt Nam mới có cơ hội đi World Cup một lần nữa.”

Phóng viên Jere Longman của The New York Times cũng cho biết: "Ở các trường học tại Mỹ, chúng tôi có các hoạt động thể thao đa dạng, từ đó học sinh, sinh viên có thể tập luyện thể thao từ cấp phổ thông cho đến đại học và sau đại học. Khi tham gia các CLB thể thao trong trường học, các cầu thủ được hưởng quyền lợi tương tự VĐV chuyên nghiệp ở các CLB chuyên nghiệp khác". Gốc rễ của nền bóng đá nằm ở hệ thống CLB và tuyển chọn cầu thủ có thể từ các học viện đào tạo hoặc bóng đá học đường, nhờ vậy mới có thể đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đội tuyển quốc gia. Nhưng ở Việt Nam, nền tảng này còn khiêm tốn.”

Việc đội tuyển đá quanh năm suốt tháng, đến khi đội nghỉ mới tìm khoảng thời gian trống để thi đấu giải VĐQG cho thấy thực tế của bóng đá nữ VN. Do giải nữ chỉ có 8 đội, nên khi đội tuyển thi đấu, có khi CLB… không đủ cầu thủ đá giải trong nước, dẫn đến phải tạm ngừng. Với vỏn vẹn 5 địa phương đào tạo cầu thủ nữ gồm Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Quảng Ninh và Thái Nguyên, việc bóng đá được dự World Cup đã là phi thường.

Nhiều người nói tới hệ thống các giải trẻ cấp quốc gia còn ít, điều kiện thi đấu chưa nhiều. Nhưng thử hỏi nếu các địa phương không đầu tư để xây dựng tuyến trẻ, làm sao có thể tổ chức các giải đấu? Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Trần Anh Tú nói: “Với quan điểm của tôi chúng ta không nên quá kỳ vọng vào việc sau mỗi lần chúng ta đạt được thành tích cao ví dụ như đội tuyển đi World Cup thì nó sẽ thay đổi rất nhiều với bóng đá nữ, bởi vì hiện nay bóng đá nữ vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách của nhà nước, đặc biệt là các CLB. Để duy trì 1 CLB cũng rất là khó khăn rồi, chưa nói đến việc phát triển. Cho nên việc để thay đổi nhiều chúng ta không nên quá kỳ vọng.”

Nhìn rộng hơn, suốt 12 năm qua, nhà tài trợ đồng hành duy nhất của giải này là doanh nghiệp riêng trong mảng thiết bị điện của ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF. Có lần, ông Tú lên tiếng mình sẵn sàng “nhường lại sân khấu” nếu có nhà tài trợ tốt hơn, nhưng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã không tìm được người chia lửa. Bởi nếu xét trên hiệu quả tài trợ dựa vào các thông số thương mại, truyền thông thì giải nữ vô địch quốc gia không phải một “miếng bánh” hấp dẫn.

Trợ lý Kim Chi cũng phân tích thêm: “Những nỗ lực của bóng đá nữ thời gian vừa qua thì cũng sẽ có sự đầu tư nhưng mà chỉ cần tốt hơn một chút nữa thì sẽ thu hút được các phụ huynh tạo điều kiện cho con mình. Vì ví dụ như bóng đá nam bây giờ không cần đi tuyển mà chỉ cần ra một thông báo thôi là phụ huynh người ta sẽ đưa con đi tuyển, họ tự bỏ tiền ra cho con họ tập luyện ở các CLB bóng đá chứ ở đây bóng đá nữ mình năn nỉ, mình bỏ tiền ra cho con họ học cũng không ai muốn đăng ký. Khi nào bóng đá nữ được 1 phần như vậy thì sẽ tiến bộ hơn rất nhiều...Thực sự bóng đá nữ của mình rất tiềm năng, nhưng mình không có đủ tiền, đủ kinh phí để tuyển dụng....”

Có thể đội tuyển bóng đá nữ quốc gia sẽ tìm được một HLV mới đủ tầm thay thế HLV Mai Đức Chung. Nhưng để có một thế hệ tuyển thủ mới đủ sức nâng tầm đội tuyển hay rộng hơn, xây dựng cả một nền bóng đá nữ quốc gia thì lại là câu chuyện rất khác, không thể chỉ trông chờ vào mỗi VFF mà cần sự thay đổi một cách toàn diện, từ Trung ương tới các địa phương để huy động thêm nhiều nguồn lực, thúc đẩy phong trào bóng đá nữ phát triển./.