Chủ tịch FA đã buộc phải đưa ra 2 lời xin lỗi công khai, sau khi nhiều lần sử dụng các thuật ngữ phân biệt chủng tộc liên quan đến vấn đề “cầu thủ da màu” hay tình dục đồng giới.

Các phát biểu của ông Clarke đã vấp phải làn sóng phản đối, chỉ trích mạnh mẽ từ các cá nhân, cũng như tổ chức thể thao của người da đen và nhóm người thiểu số.

Ông Clarke, 63 tuổi, đã tham dự phiên điều trần trực tuyến trước một Hội đồng của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao.

Trong thông cáo báo chí gửi tới truyền thông và dư luận xã hội, ông Clarke viết: “Với tư cách là người yêu bóng đá và đã dành hàng thập kỷ làm việc trong lĩnh vực này, tôi luôn dành mối quan tâm hàng đầu cho bóng đá”.

“2020 là một năm đầy thách thức và tôi thực sự đã cân nhắc tới việc từ chức vào một vài thời điểm để mở đường cho một vị Chủ tịch mới. Bây giờ, việc chuyển giao quyền điều hành sẽ được hoàn tất và đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện của Mark Bullingham”.

“Những ngôn từ không thể chấp nhận của tôi trước Nghị viện là có hại đối với môn thể thao của chúng ta và những ai xem, chơi, làm trọng tài hay quản lý. Nó dẫn đến quyết định từ chức và ra đi của tôi”.

“Tôi thực sự buồn sâu sắc vì đã gây tổn hại tới các cộng đồng trong lĩnh vực bóng đá mà tôi và nhiều người khác đã cống hiến hết mình cho sự phát triển của môn thể thao này”.

“Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới những người bạn, đồng nghiệp trong bóng đá, vì những kiến thức và tư vấn mà họ đã chia sẻ cho tôi trong những năm qua và xin tuyên bố từ chức Chủ tịch FA ngay lập tức”.

Phiên điều trần mà ông Clarke tham dự có chủ đề thảo luận về những nỗ lực đa phương để giúp đỡ các CLB bóng đá, từ dưới hạng Nhất trở xuống, có thể duy trì hoạt động và tránh khỏi việc giải tán đội bóng.

Trong quá trình phát biểu trên video trực tuyến, ông Clarke đã dùng thuật ngữ “các cầu thủ da màu” khi trả lời một câu hỏi về vấn đề cầu thủ ngoại hạng quan hệ tình dục đồng giới.

Trả lời câu hỏi từ nghị sĩ của đảng Lao động Alex Davies-Jones, ông Clarke nói: “Tôi không hiểu sao nhưng tôi nhìn vào những vụ quấy rối xảy ra trên MXH, đối với các nữ cầu thủ, những cầu thủ da màu danh tiếng, điều đó khá tự do với tất cả”.

“Những người phụ nữ, các cầu thủ da đen phải nhận lấy những lời châm biếm, giè bỉu và xúc phạm từ những người phân biệt chủng tộc và người ghét kết hôn. Tại sao bạn lại tự nguyện ủng hộ cho những hành động quấy rối đó?”.

Chỉ vài phút sau đó, ông Clarke đã bị một nghị sĩ khác của đảng Lao động, Kevin Brennan, yêu cầu phải đưa ra lời xin lỗi vì cách dùng từ thiếu chính xác và không đúng chuẩn mực.

Ông Clarke khi đó trả lời: “Nếu tôi đã nói vậy thì tôi thành thật xin lỗi vì điều đó. Tôi là người đã có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, nơi tôi được yêu cầu phải sử dụng thuật ngữ ‘người da màu’, bởi đó là sản phẩm của sự đa dạng văn hóa và pháp lý. Có đôi khi tôi đã quá lời”.

Vị cựu Chủ tịch FA còn bị chỉ trích bởi nhiều lời bình luận khác, trong quá trình diễn ra phiên điều trần.

Trong số đó, việc ông bày tỏ quan điểm rằng quan hệ tình dục đồng giới là “sự lựa chọn cuộc đời”, và chỉ ra rằng cộng đồng người Nam Á có xu hướng thích làm việc trong bộ phận công nghệ của LĐBĐ Anh hơn là trở thành cầu thủ hay HLV, đồng thời dẫn lời bình luận từ một vị HLV đội bóng trẻ rằng các cô gái không muốn trở thành thủ môn, bởi không thích bị bóng “sút mạnh” vào người.

Sanjay Bhandari, Chủ tịch phong trào Kick It Out, ngay lập tức chỉ trích những bình luận của Clarke là “tối cổ”.

Ông này nói: “Tôi đặc biệt lo ngại về việc sử dụng những thuật ngữ định kiến mang yếu tố phân biệt chủng tộc nhằm vào người Nam Á và những xu hướng nghề nghiệp của họ”.

“Nó cũng phản ánh những định kiến tương tự về sự lười biếng mà tôi đã nghe đến tai khi đi thị sát một buổi tập ở đội bóng trẻ. Việc trở thành một người gay không phải là ‘sự lựa chọn cuộc đời’, như ông ta áp đặt”.

“Sự phân biệt giới tính khi nói ‘các cô gái’ không thích bị bóng sút mạnh vào người, hiện hữu trong suy nghĩ của nhiều người, thậm chí ngay cả người đứng đầu tổ chức bóng đá quốc gia. Điều này là không thể chấp nhận”.