Diễn ra vào chiều 21/12 tại Hà Nội, Hội nghị “Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030” đóng vai trò "kim chỉ nam" cho việc xây dựng các kế hoạch, tìm ra giải pháp để vươn tầm châu lục và thế giới. Hội nghị quy tụ các đại biểu từ Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ GD-ĐT, đại diện cơ quan quản lý thể thao từ nhiều tỉnh, thành trên cản nước, cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, HLV, VĐV.

Các chuyên gia lần lượt phân tích rất chi tiết về những “rào cản” trên con đường tìm kiếm vinh quang của Thể thao Việt Nam. GS.TS Lê Quý Phượng đưa ra các nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp phòng tránh chấn thương, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng và hồi phục cho VĐV thể thao thành tích cao. Trong khi đó GS.TS Lâm Quang Thành đưa ra 5 lời khuyên cho đội ngũ những người làm thể thao, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tư duy sáng tạo và tinh thần đoàn kết. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trong đó có những phê bình thẳng thắn mà ngành thể thao phải dũng cảm tiếp thu và điều chỉnh.

“Ý kiến phát biểu của các đại biểu đã phân tích thêm vào chiều sâu nhưng cũng là sụ phê bình rất quý báu cho ngành thể thao. Giáo sư Lâm Quang Thành có 5 lời khuyên mà chúng ta thấy đấy là khuyết điểm của chúng ta. Mà khuyết điểm này bộc lộ từ nhiều năm trước đây, chưa được giải quyết một cách căn cơ, bài bản. Nói không có nguồn lực, sao không có? Năm 2023, chi phí của Nhà nước cho ngành thể thao để thi đấu các giải quốc tế là 110 tỷ đồng, đừng nói là không có! Vấn đề là sử dụng nói như thế nào? Vấn đề là phân bổ nguồn lực, tập trung điểm mũi nhọn, chọn trọng tâm trọng điểm, biết cách sử dụng nó. Những người làm công tác thể thao của cả nước cũng phải nghiêm túc để nhìn nhận lại mình” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Tại Hội nghị, một số HLV đội tuyển quốc gia đã nêu lên những khó khăn về cơ chế, chính sách, khiến họ không chỉ làm thầy cô mà còn phải kiêm thêm việc làm cha, làm mẹ để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, và cả tư vấn tâm lý. “Chúng tôi cần một đội ngũ bác sỹ theo chúng tôi cả một giai đoạn tập huấn, chuẩn bị cho một kỳ ASIAD. Như một kỳ ASIAD thì 4 năm mới tổ chức 1 lần, và chúng tôi cần đội ngũ bác sỹ đó chuyên biệt hơn, về tinh thần, về phục hồi, về dinh dưỡng. Ngoài ra thì chúng tôi cũng cần chế độ cho các VĐV, các bạn đấy phải được tham dự các giải đấu nước ngoài để cọ xát về mặt tinh thần, cũng như chuyên môn được cao hơn nữa” - HLV Nguyễn Hoàng Ngân, đội tuyển Karate Việt Nam bày tỏ.

Thực tiễn các kỳ Olympic và ASIAD gần đây chỉ ra rằng đã tới lúc Thể thao Việt Nam cần có nhận thức mới về cách đầu tư cho thể thao thành tích cao. Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt nêu ra 6 nhiệm vụ và các nhóm giải pháp cụ thể, như xác định phương thức đào tạo VĐV, HLV; nâng cao năng lực các trung tâm đào tạo, hay nhóm giải pháp xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực tài chính.

“Các ý kiến đóng góp trong hội nghị ngày hôm nay, thật sự các nội dung này đều có giá trị nhất định. Vấn đề vè định hướng bộ môn, vấn đề đầu tư trọng điểm, vấn đề khoa học công nghệ, vấn đề về đổi mới tư duy trong quản lý và trong quản trị của thể thao, đặc biệt là vấn đề về khoa học, y sinh học thể thao. Nếu mà chùng ta không cải thiện các vấn đề đó thì thể thao Việt Nam khó đạt được thành tích ở ASIAD và Olympic. Tôi nghĩ tất cả những ý kiến đóng góp cũng đã mở ra rất nhiều vấn đề, giúp cho ngành thể thao có những hoạch định trong thời gian sắp tới” - Cục trưởng Đặng Hà Việt chia sẻ.

Tại Hội nghị, Cục Thể dục thể thao công bố mục tiêu có từ 12-15 VĐV vượt qua vòng loại để tham dự Olympic Paris 2024, phấn đấu giành từ 5-6 HCV tại ASIAD 2026. Mục tiêu ở các kỳ SEA Games 2025, 2027 và 2029 là giữ vị trí trong tốp 3 toàn đoàn, tốp 2 đối với các môn thể thao Olympic. Tận dụng cơ hội thi đấu tại SEA Games để phát triển lực lượng chuẩn bị cho Olympic và ASIAD.