Chất không giảm

Trong lộ trình đáp ứng các tiêu chí yêu cầu từ LĐBĐ châu Á (AFC), bắt đầu từ mùa giải năm nay, giải futsal HDBank VĐQG, do VOV và VFF phối hợp tổ chức, chính thức cho các đội thi đấu theo thể thức sân nhà- sân khách, cho phép các đội được đăng ký 01 ngoại binh, 01 cầu thủ Việt kiều được vào sân thi đấu.

Do giải chỉ có 8 đội tham dự ở mùa này, việc tổ chức các trận đấu vòng loại không cần thiết, đồng nghĩa với những đội như Cao Bằng, Tân Hiệp Hưng hay các gương mặt mới như CLB futsal Hà Nội, GFDI Sông Hàn không phải thi đấu 3-5 trận vòng loại.

Theo lý giải của chính các HLV có đội tham dự ở vòng loại các mùa trước, “không tổ chức vòng loại giúp các cầu thủ tiết kiệm được thể lực, tránh chấn thương, từ đó giúp các đội đảm bảo thể lực khi bước vào các trận đấu chính thức ở VCK – điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh các đội phải thi đấu với mật độ 3-4 ngày/trận”.

Dù giải chỉ có 8 đội tham dự với 2 tân binh (CLB futsal Hà Nội và GFDI Sông Hàn), trên thực tế, chất lượng giải đấu không giảm sút.

Thành phần chính của CLB futsal Hà Nội – 1/3 đội đang dẫn đầu BXH với 4 điểm/2 trận – là các cầu thủ trẻ Thái Sơn Bắc, có bổ sung 1-3 cầu thủ trẻ Thái Sơn Nam- TPHCM (lứa U20), được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Đình Hoàng, từng huấn luyện Thái Sơn Bắc.

Trong khi đó, GFDI Sông Hàn dù mang phận “tân binh” nhưng thành phần của đội có bổ sung 1 tổ đấu từ Sài Gòn FC (đứng thứ 3 mùa trước), 1 tổ đấu (chất lượng nhất) và HLV Trần Ngọc Công từ Hưng Gia Khang.Daklak.

Mặt khác, mùa giải năm nay cũng chứng kiến sự biến động mạnh mẽ về nhân sự ở vị trí “thuyền trưởng” của các đội bóng.

Thái Sơn Nam- TPHCM (TSN- TPHCM) mời về HLV Nicolas Gustavo thay thế cho HLV Phạm Minh Giang chuyển tới Cao Bằng. Hai trận hòa liên tiếp, với các tỷ số 2-2 và 1-1 trước Tân Hiệp Hưng và Sahako, cho thấy HLV người Argentina vẫn cần thêm thời gian để thích nghi với môi trường làm việc mới, các cầu thủ thực hiện nhuần nhuyễn phong cách, chiến thuật mới.

Bên cạnh đó, các CLB Tân Hiệp Hưng (THH), Sanvinest Khánh Hòa (S.KH) cũng có những điều chỉnh nhân sự ở vị trí đầu tàu. Tại CLB futsal kỳ cựu THH, do môn futsal được tổ chức tại SEA Games 32, HLV trưởng ĐT futsal nữ Việt Nam, Trương Quốc Tuấn, một lần nữa tái xuất, thay thế HLV Trương Hồng Tài lùi về vị trí trợ lý.

Trong khi đó, S.KH lại “lách luật” bằng cách đăng ký cựu đội trưởng Mai Thành Đạt làm cán bộ phân tích dữ liệu, trên thực tế là người chịu trách nhiệm lên chiến thuật và đốc thúc cầu thủ thi đấu trên sân. “Bổn cũ soạn lại” này của đội bóng futsal phố Biển cũng từng áp dụng với trường hợp của chuyên gia futsal người Thái Lan, Prasert Innui.

Những biến động về nhân sự, ở cả vị trí cầu thủ và HLV, lý giải vì sao 2 lượt đấu đầu tiên chứng kiến quá nhiều những kết quả hòa như vậy (4/8 trận).

Lượng giảm nhưng chất không giảm – nếu không muốn nói tính thách thức với các đội bóng tham vọng, như ĐKVĐ Sahako và cựu vương TSN-TPHCM , càng mạnh mẽ hơn.

Nét đẹp và hạt sạn

Việc các đội bóng thi đấu theo thể thức sân nhà- sân khách đem đến tính địa phương cao hơn, giúp BLĐ các đội bóng, cầu thủ, HLV ý thức rõ ràng hơn về “màu cờ sắc áo”: mời gọi khán giả, NHM, CĐV đến sân để theo dõi và cổ vũ đội thi đấu.

Lần đầu tiên trong lịch sử các mùa giải VĐQG, BTC một trận đấu futsal tổ chức bán vé, thậm chí với mức giá 100 ngàn đồng/vé, cho khán giả mà… “cháy vé”. Những sân đấu như CLB futsal Q8, Lãnh Binh Thăng, Trường CĐSP TƯ Nha Trang không còn chỗ trống, đông nghẹt khán giả là những tín hiệu tích cực, đáng mừng cho BTC giải.

Không nghi ngờ gì, futsal vẫn còn nguyên tính hấp dẫn đối với NHM, bất chấp số lượng đội tham dự giải ít đi, số lượng các sự kiện thể thao cạnh tranh với futsal đang gia tăng.

Tuy nhiên, việc tổ chức giải tại 5 sân đấu, thay vì tập trung tại một địa điểm như trước đây, cũng đem đến những thách thức về công tác tổ chức, điều phối, kỹ thuật, công nghệ… cho BTC các sân đấu, cũng như việc giám sát của BTC giải VĐQG.

Lượt đấu đầu tiên chứng kiến câu chuyện “cười ra nước mắt” tại Nha Trang – đồng hồ vẫn chạy trong lúc bóng ngoài cuộc – buộc BTC giải phải xin lỗi khán giả truyền hình, do những thiếu sót về kỹ thuật và công nghệ trên sân.

Và trận cầu tâm điểm giữa Sahako và TSN-TPHCM đã phải kết thúc trong tranh cãi, bởi quyết định công nhận nhưng rồi “bẻ còi” của trọng tài, từ chối công nhận bàn thắng có thể ấn định tỷ số 2-1 cho TSN-TPHCM.

Lý giải về quyết định “bẻ còi” của trọng tài, nguồn tin nội bộ cho biết “điều này xuất phát từ hạn chế công nghệ: chậm trễ phần trăm giây giữa thời điểm trọng tài thứ 4 bấm còi kết thúc trận tại bàn và đồng hồ báo giờ trên sân”.

Hạn chế này cũng xảy ra ở trận đấu giữa Thái Sơn Bắc và S.KH tại Cung điền kinh Mỹ Đình, ở lượt trận thứ 2.

Đây rõ ràng là những hạt sạn của giải, và là thách thức cho BTC sân đấu, cũng như BTC giải futsal HDBank VĐQG, trong việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ tương xứng với tính chất căng thẳng, quyết liệt của các trận đấu, có thể quyết định kết quả thắng/thua của cả mùa giải.