ASIAD là đấu trường khắc nghiệt không kém là bao so với Olympic, bởi vậy giới chuyên môn và người hâm mộ cả nước đều dành sự trân trọng cho nỗ lực tột cùng của các VĐV. Tuy vậy vẫn hiển hiện rất rõ câu hỏi lớn: Vì sao một nền thể thao đứng đầu 2 kỳ SEA Games gần nhất, song lại nằm ngoài Top 5 các đoàn Đông Nam Á xuất sắc tại ASIAD 19?

Theo ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 19, về chỉ tiêu đặt ra từ 2-5 HCV, đoàn thực sự không đặt nặng vào từng VĐV mà thay vào đó là sự tính toán mở rộng. “Ví dụ như bắn súng, Phạm Quang Huy từng có HCV đồng đội 10m súng hơi tại SEA Games 31, chúng ta đưa vào tính toán, cùng 2 VĐV có khả năng đoạt HCV khác là Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh. Tuy nhiên, lúc tranh tài thì yêu cầu rất là cao về sự tập trung của các VĐV và cũng thêm một chút may mắn. Thì trong 3 VĐV đó, Hà Minh Thành không đảm bảo được sự tập trung, VĐV Trịnh Thu Vinh dù trước đó đoạt suất đi Olympic vẫn không đảm bảo được độ bình tĩnh cần thiết ở những giai đoạn quyết định. Thế nhưng Phạm Quang Huy đã làm được việc đó. ASIAD là đấu trường hết sức khắc nghiệt, việc đặt ra 2-5 HCV ở từng bộ môn, nhưng mà phải tính toán rất là nhiều con người có khả năng làm việc đó”.

Bắn súng, Cầu mây, Karate mang đến 3 niềm vui vỡ òa, thế nhưng màn trình diễn của Thể thao Việt Nam tại Hàng Châu còn rất nhiều những điều “chưa hài lòng”. Nhà vô địch châu Á Nguyễn Thị Thật không kịp hồi phục chấn thương nên đã thất bại ở môn xe đạp. Các đô cử không đạt phong độ cao nhất cũng như vẫn chưa đảm bảo tính hiệu quả trong các toan tính chiến thuật... Còn với môn thể thao nữ hoàng, nỗi buồn càng lớn hơn bởi sau kỳ tích 2 HCV tại ASIAD 2018, Điền kinh Việt Nam lại trải qua một kỳ Đại hội trắng tay.

Từ Indonesia, một trang báo thể thao nổi tiếng đã giật tít: “Thể thao Việt Nam vô địch SEA Games, nhưng lạc lối ở ASIAD". Đó là bài báo rất đáng suy ngẫm, nhất là khi các chuyên gia thể thao nước ta khẳng định mục tiêu 10 HCV ASIAD là hoàn toàn có thể. “Qua kinh nghiệm đã trải qua trong những năm vừa qua, và nhìn thực lực VĐV của Việt Nam, thì tôi nói là trong điều kiện chúng ta đào tạo VĐV mà đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho họ, thì Thể thao Việt Nam có thể đạt được trên 10 HCV. Nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng ta vẫn phải đi tìm kiếm từng tấm HCV một tại Asiad 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc” - ông Trần Đức Phấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nêu rõ.

Tại sao chúng ta chiến thắng một cách toàn diện tại SEA Games nhưng lại thất bại ở ASIAD? Đáng chú ý, nhiều quốc gia trong khu vực đều tìm kiếm một số môn thi đấu để đầu tư trọng điểm, để không chỉ đạt được thành tích tốt ở châu Á mà còn cả Olympic. Chưa hết, họ còn có cả yếu tố bất ngờ. Như Singapore đã giành HCV ở nội dung chạy 200m nữ hay HCB ở nội dung 100m nữ, Thái Lan có 2 HCV Taekwondo, 3 HCV đua thuyền buồm, Philippines có HCV ở nội dung nhảy sào nam hay Indonesia có 2 HCV ở môn bắn súng.

Theo chuyên gia thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, các nhà quản lý và hoạch định chiến lược thể thao cần nhìn nhận và suy nghĩ nghiêm túc về điều này: “Nhân dân ta sẽ hết sức vui mừng nếu như chúng ta dù không có nhiều Huy chương Vàng ở SEA Games, nhưng sẽ có nhiều HCV, HCB, HCĐ ở ASIAD, và có những người lặp lại thành tích ở Olympic 2006. Đó là điều mà nhân dân chúng ta sẽ ủng hộ hơn nhiều. Bây giờ chúng ta phải phấn đấu 10-12 HCV, chúng ta mới có thứ hạng, bởi vì ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, thì các nước Trung Á xếp ở giữa, rối đến Thái Lan và các nước Đông Nam Á đều hơn chúng ta về huy chương ASIAD. Chúng ta phải đợi đến bao giờ mới làm điều đấy. Đó là điều tôi suy nghĩ 20 năm nay, tôi đã trình bày rất nhiều lần, nhưng thực sự đáng tiếc là cho đến bây giờ chúng ta chưa quyết định rành mạch cho vấn đề này”.

Muốn có VĐV có thành tích cao, hệ thống tuyển chọn và đào tạo cần phải diễn ra thời gian rất dài. Có những môn, chúng ta chỉ mất 8-10 năm sẽ đào tạo được VĐV đạt trình độ châu lục nhưng có nhiều môn phải mất tới 20 năm. Vậy thì hệ thống tuyển chọn và đào tạo ấy cần ổn định và phải được đầu tư tương xứng. Muốn giúp VĐV nâng cao về tố chất thể lực, kỹ thuật, trình độ cần phải áp dụng khoa học chăm sóc sức khỏe, hồi phục chấn thương, dinh dưỡng.

Phương hướng đó, các nhà quản lý thể thao đương nhiên hiểu rõ. Nhưng khâu xã hội hóa thể thao quá chậm, kinh tế thể thao chưa tạo được sức bật, dẫn đến thành tích cao của Việt Nam chưa nhận được sự đầu tư tương xứng. “Cho đến thời điểm hiện tại, công tác xã hội hóa chủ yếu tập trung vào một số môn thể thao mà xây dựng được hình ảnh. Xã hội hóa thể thao không phải chúng ta nói là làm được ngay. Và tất cả những vấn đề đó, chúng ta thực sự phải rất là linh hoạt, phải rất là chăm chỉ trong việc tìm các giải pháp để mà tìm cách xã hội hóa. Hiện nay duy nhất chỉ có bóng đá là môn thể thao được phép chọn những nhà tài trợ, còn đa phần những môn thể thao khác đang còn nhiều khó khăn” - ông Trần Đức Phấn phân tích.

Thể thao Việt Nam cần cấp bách xác định mục tiêu phát triển trọng điểm cho đấu trường châu lục, thế giới, thúc đẩy xã hội hóa thể thao cơ chế thông thoáng hơn để “cởi trói” cho hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội, cũng như nhân rộng mạnh mẽ các hình mẫu kinh tế thể thao. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch - cơ quan tham mưu cho Chính phủ và hoạch định chiến lược thể thao Việt Nam.

“Chúng ta phải tập trung vào các môn Olympic. Điền kinh, Bơi, TDDC, Cử tạ, Bắn súng, Đua thuyền, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng đá, Bóng rổ… đó là những môn Olympic truyền thống. Bên cạnh các môn võ như Taekwondo, Judo, Karate, đấy là những môn trong chương trình Olympic mà Đại hội nào chúng ta cũng phải tham dự. Mỗi môn ấy chúng ta chỉ cần 1 HCV thôi, tình hình thể thao của chúng ta đã khác rồi” - chuyên gia Nguyễn Hồng Minh khẳng định.